Trong 12 dự án kém hiệu quả, Chính phủ đã báo cáo và Bộ Chính trị đã cho ý kiến đối với 5 dự án, còn lại 7 dự án. Trong số này, Ban Chỉ đạo đã họp cho ý kiến xử lý các dự án Đạm Hà Bắc, DAP2 Lào Cai, Nhà máy thép Việt Trung (Lào Cai).
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã họp cho ý kiến đối với dự án mở rộng thép Thái Nguyên… còn lại 3 dự án là Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV tàu thủy Dung Quất và Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Trong cuộc họp hôm nay, các thành viên nghe báo cáo, qua đó phân tích, đánh giá, dự báo tình hình sắp tới một cách thận trọng, đề đề xuất phương án xử lý khả thi đối với Dự án Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV tàu thủy Dung Quất để xây dựng, hoàn thiện đề án đối với 2 dự án này.
Theo báo cáo tại cuộc họp, từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ (lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng). Nguyên nhân là do tốc độ tăng giá của sản phẩm Ure thấp hơn tốc độ tăng giá của nguyên liệu đầu vào (than). Bên cạnh đó, chi phí khấu hao, lãi vay cao; DN thiếu vốn lưu động để phục vụ sản xuất; tác động của dịch bệnh Covid-19; hệ thống vận hành chưa ổn định, còn xảy ra một số sự cố, mất thời gian, chi phí sửa chữa;… Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn, 6 tháng qua, doanh nghiệp đã hoạt động có lãi.
Từ thực tế này, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất một số giải pháp xử lý đối với Công ty Đạm Ninh Bình đó là tái cơ cấu nợ vay; phá sản DN; bán toàn bộ DN. Trên cơ sở tính toán các phương án, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu nợ vay để bảo đảm giảm thiểu thiệt hại cho tất cả các bên. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cũng nhận định phương án này là hợp lý, tuy nhiên để phương án này khả thi, cần phải đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi một số quy định, cũng như có sự đồng thuận của các bên liên quan.
Đối với nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cho biết, nhà máy này được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập từ 2006, vốn điều lệ hơn 3.700 tỷ đồng, sau này được chuyển về Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào tháng 7/2010. Tại thời điểm bàn giao công ty DQS đã mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản… Sau khi DQS chuyển về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN đã đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng để hỗ trợ thanh toán các khoản nợ vay, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, tài chính, sản xuất… duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Nhờ đó, doanh thu của DQS đã tăng lên từng năm, năm 2021 DN làm ăn có lãi. Giải quyết công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đề xuất phương án bán đấu giá công ty, xử lý tài chính, tài sản; phá sản DN theo quy định của pháp luật; tái cơ cấu lại hoạt động của DQS, tái cơ cấu tài chính, tài sản của DN,…
Sau khi nghe báo cáo và trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các đơn vị liên quan tiếp thu, bổ sung, làm rõ tính khả thi của các phương án được chọn để hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung của Chính phủ trong năm nay phải có phương án xử lý dứt điểm các dự án yếu.