Yêu cầu làm rõ các vấn đề trong chất vấn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 8/6, Quốc hội bước vào một tuần làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Đó là thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015 và thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Vấn đề tiêu thụ nông sản sẽ được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời chất vấn. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua vải thiều tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. 	Ảnh: Hoài Nam
Vấn đề tiêu thụ nông sản sẽ được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời chất vấn. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua vải thiều tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Theo dự kiến, 4 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ họp này; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, tiếp theo là các Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Trong mỗi phần chất vấn của các vị Bộ trưởng sẽ có các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, lĩnh vực. Cuối cùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ giải trình làm rõ những vấn đề ĐB Quốc hội quan tâm.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cách thức tiến hành chất vấn kỳ này tiếp tục được cải tiến, đổi mới theo hướng giảm tối đa thời gian đọc báo cáo, tăng tính đối thoại, tranh luận giữa người hỏi và người trả lời, để ĐB Quốc hội có thể truy đến cùng, làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra.

Về nội dung trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời về những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực trạng liên kết 4 nhà (nhà nông - nhà khoa học - DN - Nhà nước) và giải pháp ổn định đầu ra, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đánh giá của các ĐB Quốc hội, đây là vấn đề cử tri và dư luận xã hội đang rất bức xúc. Nước ta là nước nông nghiệp, nhưng tại sao nhiều năm nay vẫn là tình trạng được mùa - mất giá và điển hình là việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, hành tím, thanh long... vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Cùng với đó là vấn đề quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp; giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường như thế nào.

Các chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đế giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản… Bộ trưởng Bộ KH&CN được các ĐB Quốc hội đề nghị trả lời về giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Có hai nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK phổ thông và đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, để chuẩn bị cho tổng kết toàn khóa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các thành viên Chính phủ phải có báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới. Trong báo cáo, yêu cầu các Bộ trưởng giải trình rõ từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã giải quyết được bao nhiêu việc Quốc hội nêu trong Nghị quyết, giải quyết đến đâu, việc nào chưa giải quyết được hoặc tại sao giải quyết chậm? Ngành nào chưa thực hiện nghiêm Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sẽ phải giải trình trực tiếp trước Quốc hội… Đây là nội dung chưa có tiền lệ và cũng là một trong những cải tiến, đổi mới nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hậu giám sát, hậu chất vấn của Quốc hội.
ĐB Quốc hội nghỉ hưu tại Hà Nội tham gia xây dựng Luật

Cuối tuần qua, hội nghị lần thứ nhất Ban Liên lạc ĐB Quốc hội nghỉ hưu khu vực Hà Nội đã diễn ra. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn các ĐB Quốc hội nghỉ hưu khu vực Hà Nội tiếp tục phát huy thế mạnh của ĐB Nhân dân qua đóng góp trí tuệ xây dựng những chính sách và dự án pháp luật cũng như các hoạt động Quốc hội. Ban Liên lạc ĐB Quốc hội nghỉ hưu khu vực Hà Nội thật sự là cầu nối giữa các ĐB Quốc hội đã nghỉ hưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Dự kiến, trong năm 2015, các ĐB  Quốc hội nghỉ hưu khu vực Hà Nội sẽ tham gia đóng góp ý kiến về dự án: Bộ luật Hình sự, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Trưng cầu ý dân; Năm 2016, sẽ tham gia vào một số dự án Bộ luật Hình sự, Luật Ký kết gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Biểu tình.