Youtube dung túng cho Khá "Bảnh" kiếm tiền "bẩn" như thế nào?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ sự bao che từ Youtube, Khá "Bảnh" đã kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng bằng các video bạo lực, phản cảm và đậm chất giang hồ.

Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Ngày 3/4, Google đã chính thức xóa bỏ kênh Youtube của Ngô Bá Khá (hay còn được gọi là Khá "Bảnh") do vi phạm Điều khoản dịch vụ. Trước đó, kênh Youtube của "giang hồ mạng" này đã có hơn 400 video, 2 triệu người theo dõi cùng số lượt xem gần chạm mức 400 triệu. Trong số những video này, hầu hết đều mang nội dung bạo lực, kích động lối sống ngang tàng cũng như cổ xúy các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngân hàng MSB xuất hiện trong video của Khá ''Bảnh''

Được biết, hậu quả mà Khá "Bảnh" phải nhận cho đến thời điểm này đều bắt nguồn từ kênh Youtube nói trên và đây cũng chính là "cần câu cơm" của đối tượng. Theo chính những gì Khá khai nhận tại cơ quan công an Bắc Ninh, trong nhiều tháng trở lại đây, nguồn thu từ kênh Youtube đã mang lại cho mình thu nhập khoảng 7.000 - 8.000 USD/tháng (khoảng 160 -185 triệu đồng), có tháng cao nhất lên tới 19.500 USD (khoảng 450 triệu đồng).

Nhiều ý kiến của cộng đồng người làm nội dung trên Youbte cho rằng, số tiền trên là nguồn thu chính của kênh Khá "Bảnh", bên cạnh đó còn có nguồn thu phụ cũng khá đáng kể. Theo đó, các video của Khá "Bảnh" còn có thể nhận được kinh phí từ các đoạn quảng cáo được gắn trực tiếp trong video của mình và số tiền này có thể lên tới hàng nghìn USD mỗi tháng. Tính tới thời điểm này, đã xác định được ít nhất 2 thương hiệu đã đặt quảng cáo trong những video "bẩn" của Khá Bảnh trong đó có hãng xe Yamaha.

Cần lưu ý, ngay từ khi đăng tải những video đầu tiên, nội dung trên kênh Youtube của Khá "Bảnh" đã bắt đầu vi phạm hàng loạt các chính sách của mạng xã hội này, tuy nhiên nó vẫn tồn tại suốt gần 2 năm trời và thu về lợi nhuận đáng kể cho chủ nhân. Không những thế, Youtube còn có hành động "tôn vinh" cho "giang hồ ảo" này bằng cách trao tặng nút vàng khi kênh video đạt 1 triệu người theo dõi.

Ngay cả khi phải gỡ bỏ kênh của Khá "Bảnh" theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Youtube vẫn không hề thừa nhận những nội dung trên đó là bạo lực và gây ảnh hưởng xấu tới người xem. Lý do được mạng xã hội này đưa ra là do "tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo.

Như vậy có thể thấy, việc Youtube xóa bỏ kênh của Khá "Bảnh" chỉ là hành động nhằm đối phó với dư luận, bởi trên thực tế, vẫn còn vô số những kênh Youtube có nội dung tương tự của các "giang hồ mạng" khác như Phú Lê, Dương Minh Tuyền... đang ung dung tồn tại và kiếm tiền "bẩn" trên mỗi click chuột của người dùng.

Khá Bảnh trốn thuế?

Trên thực tế, việc quản lý và thu thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ mạng xã hội như Facebook hay Youtube đang là bài toán khó đối với cơ quan quản lý. Khá "Bảnh" là một trong những trường hợp như vậy khi có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng không hề thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.

Theo các quy định hiện hành, những cá nhân như Khá Bảnh có nguồn thu nhập từ các mạng xã hội với mức trên 100 triệu đồng/năm đều phải nộp thuế. Căn cứ vào biểu thuế, trường hợp của Khá "Bảnh" sẽ phải đóng mức thuế 7% tổng thu nhập. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu có mức thu nhập trong tháng cao nhất lên tới gần 20.000USD, số tiền thuế mà Khá Bảnh phải đóng là xấp xỉ 32 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục thuế Từ Sơn, tới thời điểm này, Ngô Bá Khá chưa từng đóng thuế thu nhập tại địa phương. Với mức thu nhập như của Khá đã khai nhận tại cơ quan công an tỉnh Bắc Ninh, Khá phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Trường hợp, Khá không khai và nộp thuế trong thời gian dài, sẽ bị phạt và tính tiền chậm nộp.

Đã có một những trường hợp như Khá "Bảnh" phải đóng thuế cho nguồn thu có được trên mạng xã hội nhưng số lượng vẫn còn rất ít ỏi. Mới đây nhất, một cá nhân kinh doanh qua Facebook đã bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xử lý truy thu và phạt hơn 9 tỷ đồng. Đáng lưu ý, chỉ sau khi hồ sơ được cơ quan thuế chuyển qua cơ quan công an, cá nhân này mới chịu đến xác nhận doanh số bán hàng và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Nói về việc thu thuế đối với cá nhân có nguồn thu từ mạng xã hội, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) thừa nhận, khung pháp lý của Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa theo kịp được sự phát triển của các loại hình kinh doanh qua mạng, đặc biệt trong đó là vấn đề thu thuế.

Để xác minh dòng tiền của những cá nhân được nhận từ những dịch vụ trực tuyến quốc tế, cần phải có sự phối hợp đồng bộ và liên tục giữa ngân hàng cùng cơ quan thuế. Tuy nhiên theo Luật Quản lý thuế, ngân hàng không phải có trách nhiệm cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng mà điều này chỉ được thực hiện khi cơ quan thuế có yêu cầu ngân hàng thực hiện biện pháp rà soát.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sắp được trình Quốc hội đã bổ sung quy định, các ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin định kỳ về các giao dịch thanh toán liên quan đến thương mại điện tử cho cơ quan thuế. Từ đó, cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định được những cá nhân có phát sinh thu nhập chịu thuế, qua đó hạn chế tình trạng thất thoát như hiện nay, ông Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần