Zalo thu phí: Người dùng phản ứng thế nào?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Zalo tiến hành thu phí đồng thời hạn chế những tính năng vốn là điểm mạnh của ứng dụng này đối với phiên bản miễn phí đang gây ra nhiều phản ứng tiêu cực từ cộng đồng người dùng.

Nhiều phản hồi tiêu cực

Bắt đầu từ 1/8, ứng dụng nhắn tin qua Internet Zalo bắt đầu tính phí thuê bao hàng tháng đối với người dùng. Tuy vẫn có một phiên bản miễn phí những đã bị cắt giảm một số tính năng quan trọng. Động thái này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng người dùng bởi đây hiện là ứng dụng nhắn tin số 1 tại Việt Nam.

Zalo đang là ứng dụng nhắn tin số 1 tại Việt Nam với hơn 74 triệu người dùng
Zalo đang là ứng dụng nhắn tin số 1 tại Việt Nam với hơn 74 triệu người dùng

Hai ngày trở lại đây có lẽ là quãng thời gian tồi tệ nhất đối với Zalo kể từ khi ứng dụng này ra mắt. Không chỉ gánh chịu cơn bão đánh giá 1 sao trên các kho ứng dụng Apple Store và Google Play, Zalo còn nhận được vô vàn ý kiến “ném đá” cùng tẩy chay từ phía người dùng.

Trên kho ứng dụng Google Play, tài khoản Thanhduy bình luận: “Zalo vẫn còn rất nhiều hạn chế về các vấn đề bảo mật và tính năng lưu trữ hình ảnh. Hình ảnh không được lưu mãi mãi trong các bản sao lưu mà nó sẽ tự động mất đi sau một khoảng thời gian. Zalo triển khai thu phí mà chưa khắc phục được các lỗi cơ bản này thì sẽ mất rất nhiều khách hàng. “.

Hay gay gắt hơn là tài khoản Nam Anh trên kho ứng dụng Apple Store cho rằng: “Không chỉ có mức phí “hút máu” mà còn bóp các tính năng cần thiết của bản miễn phí. Tôi đã gỡ Zalo ra khỏi máy và chuyển sang ứng dụng nhắn tin khác có nhiều tính năng hơn nhưng vẫn miễn phí như Telegram.”.

Tuy nhiên, trong hàng loạt những phản ứng tiêu cực của người dùng cũng xuất hiện một số rất ít những ý kiến coi động thái Zalo thu phí là bình thường, không có quá nhiều tác động tiêu cực đối với phiên bản miễn phí.

Tài khoản Đặng Hoàng viết: “Là người dùng bình thường các tính năng trong bản Zalo miễn phí vẫn đủ với mình. Về cơ bản mình chỉ dùng nhắn tin và gọi thoại video nên cũng không có nhu cầu cao cấp hơn. Theo mình nếu người dùng muốn dùng nhiều tính năng hơn thì việc bỏ tiền để trải nghiệm là hoàn toàn hợp lý.”.

Hay như tài khoản Lê Thanh lại có cái nhìn tích cực hơn: “Đây là một cơ hội tốt để cho công ty hoặc lập trình viên khác tạo ra ứng dụng nhắn tin mới nhưng miễn phí. Nếu ứng dụng mới mà tốt, tôi chắc chắn người dùng sẽ bỏ Zalo để chuyển qua sử dụng.”.

Được biết, bắt đầu từ ngày 1/8/2022, Zalo chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam. Trong đó, bao gồm gói trả phí dành cho doanh nghiệp (dạng tài khoản OA Doanh Nghiệp) sẽ gồm Dùng thử (10.000 đồng), Nâng cao (59.000 đồng) và Cao cấp (399.000 đồng).

Phiên bản miễn phí sẽ cắt giảm một số tính năng như: Không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký của người dùng; Mỗi tài khoản Zalo giờ đây có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại; Mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại/tháng từ người lạ; Danh bạ người dùng chỉ có tối đa 1000 liên hệ; Tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được username; Mỗi tài khoản được mặc định có 5 tin nhắn nhanh. 

Chuyển sang ứng dụng khác

Theo số liệu thống kê, tính tới đầu năm 2022, Zalo hiện là nền tảng tin nhắn miễn phí có lượng người dùng thường xuyên lớn nhất Việt Nam với hơn 74 triệu tài khoản. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Zalo đã chuyển tới 620 tỷ tin nhắn và 52 tỷ phút gọi video. 

Tuy nhiên có nhiều khả năng, với động thái bắt đầu thu phí ứng dụng, trong thời gian tới Zalo sẽ dần mất lợi thế vào các ứng dụng nhắn tin xuyên biên giới như: Telegram, Viber, Skype … Bởi cả về tài khoản miễn phí hay mất phí của những ứng dụng này đều có điểm nổi trội hơn Zalo. Thậm chí, số tiền mà người dùng phải bỏ ra hàng tháng còn ít hơn mà nhận được nhiều tính năng hơn.

Anh Nguyễn Dũng (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một người dùng nhiều ứng dụng nhắn tin để phục vụ mục đích công việc cho rằng việc thu phí của Zalo là khá “kỳ quặc”. Đó là việc Zalo bóp các tính năng của tài khoản miễn phí nhằm “ép” người dùng phải trả phí. Điều này hoàn toàn trái với một ứng dụng khác đang rất phổ biến ở Việt Nam là Telegram.

Mới đây, Telegram cũng đưa ra gói trả phí nhưng không nhận được phản ứng mạnh từ cộng đồng người dùng như Zalo. Bởi người dùng trả phí sẽ được thêm nhiều tính năng mới, còn người dùng miễn phí vẫn được hưởng đầy đủ các tính năng như từ trước tới hiện tại. Đây là điểm khác biệt, anh Dũng nói.

Còn anh Hoàng Nam, phụ trách marketing của một doanh nghiệp thì cho rằng, việc Zalo thu phí về lâu dài sẽ có ảnh hưởng nhất định tới đơn vị của mình. Thứ nhất, mức phí hiện là quá cao nhưng các tính năng mới không thực sự xuất sắc. Có thể kể đến như tính năng trả lời tự động vốn đã là miễn phí ở nhiều ứng dụng nhắn tin khác nhưng trên Zalo thu phí chức năng này vẫn chưa thực sự mượt và hiệu quả.

Đa phần khách hàng của doanh nghiệp đều là người dùng cá nhân, Zalo thu phí sẽ khiến họ chuyển sang các ứng dụng khác như: Viber, Whatsapp… Nếu hầu hết khách hàng chuyển sang các nền tảng nhắn tin mới thì bắt buộc doanh nghiệp phải bỏ Zalo để chuyển theo, anh Nam chia sẻ.

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Thành Đoàn, việc Zalo thu phí là động thái cần làm nếu muốn ứng dụng này nâng cao hiệu quả và tiếp tục phát triển nhưng cách thức thực hiện chưa được hợp lý. Mục đích Zalo thu phí là nhằm tạo nguồn thu từ khách hàng doanh nghiệp và những người bán hàng online, điều này là hợp lý, vì việc này sẽ tạo ra nguồn thu cho bên trả phí. Nhưng việc cắt các tính năng vốn có của người dùng miễn phí sẽ tạo ra tác động ngược.

Cần phải nhớ, Zalo có thành công được như ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ của cộng đồng người dùng Việt Nam, mà chiếm hầu hết trong số này là người dùng miễn phí. Với động thái gần như quay lưng với người dùng miễn phí, Zalo đang đẩy nhóm người dùng quan trọng này sang sử dụng các ứng dụng nhắn tin nước ngoài khác, ông Đoàn phân tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần