Chưa thể thống nhất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, vì sao?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – đại diện cho người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 mức 5 – 6%. Tuy nhiên phía người sử dụng lao động lại chưa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2024 trong phiên họp này.

Ngày 9/8, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ nhất để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024. Phiên họp được diễn ra với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh – Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Công đoàn mong muốn tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 mức 5 – 6%. Ảnh: Thanh Hải.
Công đoàn mong muốn tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 mức 5 – 6%. Ảnh: Thanh Hải.

Theo Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia Lê Đình Quảng, cần điều chỉnh tiền lương theo chỉ số giá tiêu dùng để tiền lương thực tế của người lao động không bị giảm sút.

Trước khi phiên họp này được tổ chức, Tổ chức Công đoàn đã khảo sát ở gần 200 DN thuộc 6 tỉnh, thành cho kết quả: Trên 75% người được khảo sát cho biết thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu; 17,3% người lao động phải vay tiền chi tiêu. Tiền thuê nhà bình quân trên 1,8 triệu đồng/tháng; chi lương thực 34,5%, phi lương thực 68,5%. Người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu từ đầu năm 2024, mức trên 11%.

Theo ông Quảng, đây là thời điểm cần chia sẻ khó khăn với DN. Tuy nhiên người lao động cần được tăng lương để bù đắp trượt giá, cải thiện một phần đời sống. Công đoàn mong muốn mức tăng lương tối thiểu 5 – 6%.

Trong khi đó, trao đổi tại phiên họp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Hoàng Quang Phòng cho biết, DN coi người lao động là tài sản vô giá. Hiện nay DN chồng chất khó khăn nhưng vẫn gồng mình duy trì việc làm cho người lao động.

Ông Phòng đồng ý điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tuy nhiên chưa nên đề xuất tăng trong phiên họp này. Bởi xem xét tăng lương tối thiểu cần phải có độ trễ, sẽ được quyết định căn cứ vào các thông số tới đây.

Tại phiên họp này, Tổng Liên đoàn Việt Nam xin họp riêng để thống nhất thời điểm tăng lương. Và các ý kiến họp đều thống nhất phải tăng lương; song thời điểm họp phiên sau và thời điểm tăng lương chưa thống nhất.

Bên lề phiên họp, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn chia sẻ, chưa bao giờ ngành Gia giày, Túi xách chịu nhiều sức ép về đơn hàng như lúc này. DN thiếu đơn hàng, công nhân chỉ mong được làm việc 4 – 5 ngày /tuần. Vì thế, khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng cần xem xét đến động thái kinh tế, đặc biệt là đơn hàng của năm 2024.

Khảo sát tại 63 tỉnh, TP trong 4 tháng đầu năm 2023, có hơn 500.000 người bị ảnh hưởng việc làm, trong đó gần 300.000 người thôi việc. Nhưng bên cạnh đó các DN cũng tuyển dụng lao động cho hàng trăm vị trí việc làm. Vì thế, một đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, năm 2024 phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Vấn đề là tăng lương vào thời gian nào, mức tăng ra sao thì cần thêm thời gian để đánh giá về các yếu tố. Do vậy, đại diện Bộ LĐTB&XH đề xuất Hội đồng tiền lương Quốc gia họp phiên sau vào cuối quý IV để bàn về lương tối thiểu vùng. 

Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất phiên họp tiếp theo sẽ diễn ra vào quý IV năm 2023 và sẽ chốt lại khả năng tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.