Tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, đề xuất mức bao nhiêu là phù hợp?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8/2023. Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ LĐTB&XH tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền. Ảnh minh họa: Phạm Hùng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền. Ảnh minh họa: Phạm Hùng.

Hiện nay mức lương tối thiểu của người lao động được chia theo 4 vùng. Cụ thể, vùng 1 là 4.680.00 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu giờ tại vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Trước đó, ngày 9/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024. Tại phiên họp này, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn tăng lương tối thiểu 5 – 6% để vừa cải thiện đời sống của người lao động, vừa chia sẻ với DN cũng như giúp ổn định nền kinh tế.

Trong khi đó, đại diện cho DN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện nay DN chồng chất khó khăn nhưng vẫn gồng mình duy trì việc làm cho người lao động, vì thế chưa nên đề xuất tang lương tối thiểu trong phiên họp này.

Vì còn có nhiều ý kiến khác nhau và chưa thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 nên Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất phiên họp tiếp theo sẽ diễn ra vào quý IV/2023 để chốt tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2024 hoặc ngày 1/7/2024 với mức tăng tuân theo nguyên tắc lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2023 với gần 200 DN thuộc 6 tỉnh thành cho kết quả: Trên 75% người được khảo sát cho biết thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu; 17,3% người lao động phải vay tiền chi tiêu. Tiền thuê nhà bình quân trên 1,8 triệu đồng/tháng; chi lương thực 34,5%, phi lương thực 68,5%. Người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu từ đầu năm 2024, mức trên 11%.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của DN.

Mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu vùng trải qua 8 lần điều chỉnh với các mức tăng: 15,2% năm 2014, 14,2% năm 2015, 12,4% năm 2016, 7,3% năm 2017, 6,5% năm 2018, 5,3% năm 2019, 5,5% năm 2020 đến tháng 6/2022, 6% từ tháng 7 năm 2022 đến nay.