1.479 cuộc gọi đến Tổng đài 1022 Hà Nội đề nghị giải đáp chính sách an sinh xã hội

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Tổng đài đường dây nóng của Hà Nội 1022 đã tiếp nhận và xử lý thông tin 1.479 cuộc gọi của người dân về hỗ trợ người lao động và giải đáp các vướng mắc về thủ tục hành chính, kể từ ngày 2/9 đến cuối ngày 12/9.

Gần 1.500 cuộc gọi đề nghị giải đáp chính sách an sinh xã hội
Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, thực hiện tiếp nhận thông tin và giải đáp thắc mắc của người dân qua tổng đài đường dây nóng (Tổng đài 1022) về công tác hỗ trợ các chính sách của T.Ư và TP, đến cuối giờ chiều ngày 12/9/2021, Sở đã tiếp nhận và xử lý thông tin 1.479 cuộc gọi điện của người dân.
Trong số 1.479 cuộc gọi của người dân đến Tổng đài 1022 có 318 cuộc gọi hỏi về giải đáp các nội dung hỗ trợ lao động tự do và người lao động chấm dứt hợp đồng lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục phải chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
 Các phường trên địa bàn quận Thanh Xuân trao kinh phí hỗ trợ cho người dân, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp nhận và giải đáp 171 cuộc gọi về hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động ngừng việc; 163 cuộc gọi về giải đáp các nội dung về công tác chi trả tiền hỗ trợ; 27 cuộc gọi về các nội dung hỗ trợ người có công.
Và có tới 751 cuộc gọi đến Tổng đài 1022 đề nghị Sở LĐTB&XH Hà Nội giải đáp các vướng mắc về thủ tục hành chính của Sở, tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân đối với gói hỗ trợ.
Trong 1 ngày, có thêm 1.659 lao động tự do được hỗ trợ
Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng cho biết, trên tinh thần khẩn trương và quyết liệt thực hiện công tác hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến cuối ngày 12/9, toàn TP đã quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng số tiền 1.011,871 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn vận động xã hội hóa.
Đối với đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc (lao động tự do), 30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 138.466 trường hợp với số tiền 207,69 tỷ đồng, theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Đến nay, đã có 113.657 lao động tự do được nhận kinh phí hỗ trợ 167,99 tỷ đồng. Tính riêng trong ngày 12/9, Hà Nội có thêm 1.659 lao động tự do được nhận kinh phí hỗ trợ (1.500.000 đồng/người).
 Lao động ngoại tỉnh trên địa bàn xã Đông Quang (huyện Ba Vì) được hỗ trợ lương thực, thực phẩm trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Hiện nay các địa phương vẫn đang khẩn trương thực hiện chính sách đặc thù của TP Hà Nội theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND TP. Toàn TP đã có 282.654 người thuộc 3 nhóm đối tượng 1, 2, 3 (người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội) được phê duyệt hỗ trợ 282,654 tỷ đồng; các địa phương đã chi trả tiền mặt cho 282.393 người, hộ gia đình 282,393 tỷ đồng. Như vậy, toàn TP đã hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ đối với 3 nhóm đối tượng này.
Đối với các nhóm đối tượng hỗ trợ khác, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã vẫn đang triển khai thực hiện; kết quả đã có 2.076 trường hợp được các quận, huyện, thị xã phê duyệt và hỗ trợ 4.648.000.000 đồng.
Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền các địa phương tiếp tục huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ cho 682.307 lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 204,336 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần