Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

1,852 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 30%

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến hết tháng 8/2024, toàn quốc có trên 18,742 triệu người tham gia BHXH, tăng 8,79% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 16,889 triệu người, tăng 6,83%. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,852 triệu người, tăng 30,65% so với cùng kỳ năm 2023.

Về số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), toàn quốc có 15,175 triệu người; tăng 7,61% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 92,972 triệu người; tăng 1,64% so với cùng kì năm 2023. Lũy kế đến hết tháng 8, số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT của toàn ngành đạt 333.029 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT.

1,852 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 30%
1,852 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 30%

Thời gian tới, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc, qua đó đưa ra các kịch bản, chương trình kế hoạch để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.

Cùng với đó, các đơn vị tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt truyền thông các luật sửa đổi, luật được quốc hội thông qua, đẩy mạnh truyền thông dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số toàn trình.

Mặt khác, các đơn vị khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các đơn vị đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT; cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm.

Ngoài ra, các đơn vị cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, rà soát các kế hoạch, chương trình còn tồn đọng để ban hành kịp thời. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động, đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT.