Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

10 dấu ấn kinh tế thế giới năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ tới 4,6% trong 3 ngày; hơn 3.900 tỷ USD...

Kinhtedothi - Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ tới 4,6% trong 3 ngày; hơn 3.900 tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc; Cục Dự trữ liên bang Mỹ quyết định nâng lãi suất thêm 0,25%; giá dầu thô “bốc hơi” 50% trong vòng 18 tháng qua… là những dấu ấn kinh tế thế giới hàng đầu trong năm 2015, có ảnh hưởng mạnh trên quy mô toàn cầu.

1. Hiệp định TPP hoàn thành

Sau 7 năm đàm phán, Mỹ cùng 11 quốc gia đã đạt được thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 10, được coi là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử thế giới. Việt Nam được đánh giá là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
Hoàn thành đàm phán TPP - sự kiện được trông đợi nhất trong năm.
Hoàn thành đàm phán TPP - sự kiện được trông đợi nhất trong năm.
2. Thị trường chứng khoán  Trung Quốc vỡ “bong bóng”

Tháng 6/2015, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc - Shanghai Composite Index thiết lập mức đỉnh cao nhất lịch sử. Nhưng chỉ một tháng sau đó, chỉ số này giảm hơn 30%, khiến hơn 3.900 tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán. Đây là  đợt sụt giảm mạnh nhất của thị trường này kể từ năm 1992.

3. Giá dầu tiếp tục “tìm đáy”

Trải qua năm giảm giá kinh khủng nhất trong vòng 1 thập kỷ, với sự kết hợp của việc thừa cung, giảm cầu, giá dầu thô thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Trong 18 tháng qua, giá nhiên liệu quý này đã “bốc hơi” 50%.

4. Cơn sốc mang tên “Nhân dân tệ”

Bắc Kinh đã đem đến cơn sốc cho thị trường tài chính toàn cầu vào tháng 8 khi quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ. Đây được cho là cách vực dậy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vốn bị nghi ngờ chậm hơn những số liệu đã báo cáo.

5. Khủng hoảng nợ Hy Lạp được chặn đứng

Hy Lạp đã đàm phán thành công để nhận gói cứu trợ 86 tỷ Euro hồi tháng 8. Đây là tin vui với giới tài chính toàn cầu, khi nguy cơ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu và vỡ nợ được chặn đứng. Tuy nhiên, cơn sốc Hy Lạp vẫn có thể trở lại trong thời gian tới do nền kinh tế suy giảm 25% trong 5 năm qua quá mong manh trước các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

6. FED nâng lãi suất lần đầu tiên sau 9 năm

Sau nhiều lần trì hoãn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp cuối cùng năm 2015 (15 - 16/12) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25%, chấm dứt thời kỳ lãi suất tiệm cận 0% kéo dài gần một thập kỷ qua. Động thái thắt chặt trên đánh dấu một bước đảo chiều trong chính sách tiền tệ của tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, đồng thời cho thấy kinh tế Mỹ đã hồi phục sau khủng hoảng 2008.

7. Rộn ràng M&A toàn cầu

Năm 2015 chứng kiến những vụ M&A lớn chưa từng thấy, nổi lên trong số đó là thương vụ của 2 tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới là Pfizer và Allergan với giá trị lên đến 160 tỷ USD. Tổng giá trị các thương vụ M&A năm nay được công bố chạm mốc 4.600 tỷ USD, phá kỷ lục 4.300 tỷ USD trong năm 2007.

8. Bê bối của Volkswagen

Vào tháng 9, một số xe của hãng sản xuất ô tô lớn thứ 2 thế giới Volkswagen bị phát hiện chứa thiết bị gian lận kết quả kiểm tra khí thải. Bê bối này gây thiệt hại tài chính ước tính 6,7 tỷ bảng Anh cho Volkswagen.

9. Ngân hàng T.Ư Thụy Sĩ thả nổi đồng Franc

Ngân hàng T.Ư Thụy Sĩ (SNB) hồi tháng 1 đã gây sốc cho thị trường tài chính thế giới khi tuyên bố bỏ trần tỷ giá đã áp dụng nhiều năm qua ở mức 1,2 Franc/ Euro, với lý do đồng Euro ngày càng suy yếu khiến nền kinh tế nước này chịu thiệt hại nặng nề.

10.  Làn sóng cắt giảm nhân sự của các ngân hàng châu Âu

Các quy định vốn chặt chẽ hơn đi kèm với xu hướng nới lỏng của Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) ngược lại với FED đã gây áp lực mạnh mẽ cho ngành ngân hàng của Lục địa già. Kể từ tháng 6/2015 đến nay, 10 ngân hàng lớn nhất châu Âu đã cắt giảm khoảng 130.000 nhân sự.