10 điều kỳ vọng ở tân Giám đốc Sở giao thông vận tải Hà Nội

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Thường làm Giám đốc Sở GTVT Hà Nội. Nhân dân rất kỳ vọng vị “tư lệnh” mới của ngành GTVT Thủ đô sẽ đưa ra những hành động mạnh mẽ, từng bước giải quyết 10 vấn đề nhức nhối lâu nay của giao thông TP.

Tân giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường (thứ hai bên trái) tại Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm
Tân giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường (thứ hai bên trái) tại Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm

Cải thiện năng lực hạ tầng

Nhiều năm qua, Hà Nội đã phát triển với một tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ, để lại nhiều khoảng trống về năng lực đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông. Người dân kỳ vọng trong bối cảnh khó khăn này, vị Tân giám đốc Sở GTVT Hà Nội sẽ đưa ra được giải pháp cho 5 nhóm vấn đề về hạ tầng.

Một là tổ chức lại giao thông, tối ưu hoá nguồn lực hạ tầng hiện có. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc. Trong khi lượng phương tiện tăng từng ngày, mỗi dự án giao thông lại phải mất cả năm, thậm chí nhiều năm mới hoàn thành.

“Trước mắt, cần rà soát, tổ chức lại giao thông, hợp lý hoá các phương án phân luồng trên diện rộng để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT). Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng, đặt nền tảng cho hệ thống giao thông thông minh” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Hai là nhanh chóng cụ thể hoá Quy hoạch giao thông tĩnh Thủ đô, tăng cường năng lực của hệ thống bến bãi đỗ xe, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là trong khu vực nội đô; đồng thời khai thác được nguồn lực kinh tế giao thông đang gần như bị bỏ ngỏ này.

Ba là gia tăng các biện pháp giám sát, kiểm soát hoạt động thi công, rào chắn đường phố, “mạnh tay” với các nhà thầu gây mất trật tự, ATGT. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng rào chắn thi công công trình gây khó khăn, bị động cho người dân.

Bốn là tham mưu chính xác, hữu ích cho UBND TP trong việc phát triển giao thông nông thôn, ngoại thành, tạo bước đệm thúc đẩy việc di dời trường học, bệnh viện, các cơ sở tập trung đông người ra khỏi nội đô, phát triển đô thị vệ tinh đúng lộ trình theo quy hoạch.

Năm là tham mưu cho UBND TP, xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ các loại hình giao thông: đường bộ, đường thuỷ đường sắt, hàng không, tăng cường năng lực kết nối Hà Nội với cả nước và quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tăng cường năng lực hạ tầng giao thông trong bối cảnh còn nhiều bất cập tại Hà Nội không hề dễ dàng. Không ít vấn đề đã tồn tại qua nhiều thời kỳ, đòi hỏi vị Tân giám đốc Sở GTVT Hà Nội phải đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá, làm nổi bật vai trò của cơ quan quản lý chuyên trách một trong những lĩnh vực “nóng nhất” của Thủ đô hiện nay.

10 điều kỳ vọng ở tân Giám đốc Sở giao thông vận tải Hà Nội - Ảnh 1
 Hà Nội đang đối diện với tình trạng UTGT diễn biến rất phức tạp.

Xây dựng văn hoá giao thông

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định, vấn đề thứ sáu Tân giám đốc Sở GTVT Hà Nội cần giải quyết là tăng cường năng lực và sức hấp dẫn của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

Theo tính toán của Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội, hiện mạng lưới VTHKCC đã đáp ứng được trên 30% nhu cầu đi lại. Nhưng để người dân từ bỏ xe cá nhân đến với xe buýt, tàu điện, cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ, ưu tiên tối đa cho các loại hình này trong lưu thông hàng ngày.

Bảy là hạn chế xe cá nhân. Năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND về tăng cường quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết này. Nhưng đến nay việc kìm chế đà tăng cũng như vận động người dân giảm sử dụng xe cá nhân vẫn chưa cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Việc kiểm soát khí thải xe máy vẫn đang bế tắc. Đó cũng là một trong những khó khăn cần cần Sở GTVT Hà Nội tập trung giải quyết.

Tám là nâng cao ý thức của người người dân, từng bước xây dựng văn hoá giao thông. Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban ATGT TP Hà Nội, nhiều năm qua Sở GTVT đã góp phần rất tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, xây dựng văn hoá giao thông.

Nhưng một trong những nguyên nhân chính của UTGT hiện nay là bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa có ý thức chấp hành luật, chưa biết nhường nhịn, hành xử văn minh khi tham gia giao thông. Thực tế đó cho thấy công tác tuyên truyền cần đa dạng và hiệu quả hơn nữa.

Chín là củng cố trật tự trên thị trường vận tải hành khách liên tỉnh. Bên cạnh xe khách tuyến cố định, nhiều năm qua, các loại hình xe hợp đồng, xe tiện chuyến… cũng phát triển rất mạnh mẽ. Thị trường vận tải khách liên tỉnh đang có những dấu hiệu xáo trộn, suy yếu do nhiều kẽ hở trong luật cũng như công tác xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hệ luỵ tất yếu là xe dù bến cóc, xe khách trá hình xuất hiện ngày càng phổ biến, gây mất an ninh trật tự, mất ATGT, đẩy các DN làm ăn chân chính đến bờ vực sụp đổ. Với vai trò là người quản lý, điều hành, Tân giám đốc Sở GTVT Hà Nội cần có những quyết sách kịp thời để tái lập và củng cố trật tự trên thị trường vận tải khách liên tỉnh.

Mười là duy trì, bảo vệ thành quả cuộc chiến ngăn chặn xe quá khổ quá tải. Việc kiểm soát tải trọng trong quá trình bốc xếp hoàng hoá ngay tại các bến bãi, siết chặt kỷ cương với các DN vận tải hàng hoá là giải pháp căn cơ để đẩy lui xe quá khổ, quá tải. Đây là cũng là nhiệm vụ, chức năng chính của Sở GTVT Hà Nội.

Sau nhiều năm đấu tranh quyết liệt, vấn nạn “hung thần” xe tải đã dần được kiềm chế. Nhưng để duy trì được thành quả đó, chống tái diễn vi phạm, Tân giám đốc Sở GTVT Hà Nội cần sát sao, đôn đốc lực lượng Thanh tra GTVT không lơ là, buông lỏng công tác kiểm tra, xử lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần