Dự chương trình có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện,...
Tại Hội nghị, TS. BS. Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2018 - 2022 nhấn mạnh, lần đầu tiên, chúng ta có được một chiến dịch về hiến máu quy mô nhất, kéo dài nhất. Hành trình Đỏ đã huy động và tập hợp được đa dạng các lực lượng tham gia hiến máu.
"Một thập kỷ bền bỉ với 58 tỉnh, TP tham gia, 700.000 đơn vị máu được tiếp nhận, Hành trình Đỏ đã vượt xa giới hạn của một chương trình vận động hiến máu đơn thuần, mà trở thành hoạt động xã hội nhân văn sâu sắc. Khẩu hiệu Hành trình Đỏ - Kết nối dòng máu Việt đã trở thành lời hiệu triệu, huy động sức mạnh toàn dân trên dải đất hình chữ S cùng tham gia vào chiến dịch hiệu quả nhất, thành công nhất trong phong trào hiến máu nước ta” - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định.
Xuất phát từ tình trạng khan hiếm máu cho điều trị vào mỗi dịp hè, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã đề xuất ý tưởng tổ chức chương trình Hành trình Đỏ và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành. Năm 2013, Hành trình Đỏ - Chiến dịch vận động hiến máu xuyên Việt ra đời. Vượt qua không ít khó khăn, Hành trình Đỏ năm đầu tiên đã thu về hơn 17.500 đơn vị máu.
Ra đời trong sự cấp thiết về việc đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu và điều trị, Hành trình Đỏ đã trở thành hoạt động trọng tâm của chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” hằng năm và ngày càng nhận được sự tham gia của nhiều địa phương và sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Sau mỗi năm tổ chức, Hành trình Đỏ đều lập kỷ lục mới về số ngày tổ chức, số địa phương tham gia và số đơn vị máu tiếp nhận được.
Trong năm đầu tiên, chương trình Hành trình đỏ diễn ra tại 15 tỉnh, TP. Sau 5 năm, đã có 28 địa phương tham gia, mang lại kết quả thành công vang dội.
Năm 2022, ghi dấu kỷ lục mới của Hành trình Đỏ; đã có 46 tỉnh, TP tham gia trong 60 ngày, tổ chức 507 điểm hiến máu chính và 1.858 điểm hiến máu hưởng ứng, tiếp nhận trên 120.000 đơn vị máu, số lượng máu này cao gấp 7 lần so với năm đầu tổ chức.
Lượng máu tiếp nhận được của Hành trình Đỏ không chỉ góp phần đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu, điều trị tại các địa phương trong dịp thiếu máu hè mà còn góp phần điều tiết máu trên phạm vi toàn quốc.
Trong 10 năm tổ chức, Hành trình Đỏ đã thu hút hàng triệu lượt người tham dự, tiếp nhận gần 700.000 đơn vị máu. Đã có 58/63 tỉnh, TP trên cả nước tổ chức Hành trình Đỏ. Nhiều tỉnh, TP đã tổ chức thành công Hành trình Đỏ với các ngày hội trên 1.000 đơn vị máu, tổ chức với hình thức Hành trình Đỏ mini ngay tại địa phương và đưa các ngày hội hiến máu về huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Hầu hết các địa phương cũng lồng ghép tôn vinh các tập thể, cá nhân hiến máu tiêu biểu trong khuôn khổ sự kiện Hành trình Đỏ; qua đó, vừa tạo hiệu ứng truyền thông tốt, vừa lan toả được những tấm gương tích cực về hiến máu tình nguyện.
Ghi nhận và đánh giá cao những giá trị và kết quả đạt được trong 10 năm tổ chức Hành trình đỏ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, nhiều sự kiện hiến máu được duy trì tổ chức thường xuyên như Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật đỏ, Hành trình Đỏ… đã góp phần lan toả phong trào hiến máu tình nguyện đến với cộng đồng.
“Có thể nói, Hành trình Đỏ đã thực sự “Kết nối dòng máu Việt” mang lại hiệu quả cho cộng đồng, thể hiện sự kết nối và phối hợp hiệu quả của tất cả các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp và hệ thống các cơ sở y tế trong việc hỗ trợ chuyên môn về tiếp nhận máu, điều phối máu cho điều trị trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là minh chứng sinh động trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta” - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Tròn một thập kỷ bền bỉ vượt khó tổ chức, Hành trình Đỏ đã góp phần thay đổi nhận thức của hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện, mở rộng đối tượng hiến máu; cơ bản khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp hè; xây dựng, đào tạo lực lượng tình nguyện viên tại các địa phương; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng bệnh tan máu bẩm sinh; giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử dân tộc, về tình yêu thương cộng đồng.