10 người ngộ độc cá chép muối ủ chua: Bộ Y tế lên tiếng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có Công văn số 294/KCB-NV về việc cứu chữa bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.

Sau khi nhận được thông tin về 10 trường hợp người dân sau khi ăn cá chép muối ủ chua đã xuất hiện tình trạng ngộ độc và được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.

Để phối hợp với bệnh viện cấp cứu, điều trị bệnh nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đội chuyên môn đến hỗ trợ đến trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam. Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ từ xa và Viện Pasteur Nha Trang đã tìm hiểu nguyên nhân dịch tễ các trường hợp ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đánh giá cao Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và các Bệnh viện: Chợ Rẫy, Bạch Mai, Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Viện Pasteur Nha Trang đã chủ động, tích cực và phối hợp kịp thời để cấp cứu, chống độc, điều trị cho người bệnh, đồng thời tìm nguyên nhân gây ngộ độc.

Để tiếp tục cứu chữa, tìm nguyên nhân và phòng, chống ngộ độc, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam và các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực, phối hợp tiếp tục cứu chữa người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân. Trong trường hợp cần huy động sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện khác, Bộ Y tế sẽ huy động các bệnh viện hỗ trợ.

Ngoài ra, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức. Khuyến cáo cho người dân, cộng đồng về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh các trường hợp tương tự xảy ra trên địa bàn.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Đặc biệt truyền thông để người dân biết được các thông tin về ngộ độc Botulium theo hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulium ban hành kèm theo Quyết định số 3875/QĐ-BYT ngày 07/9/2020 của Bộ Y tế. Như loại thực phẩm gây ngộ độc, cách sử dụng thực phẩm để loại bỏ độc tố, các dấu hiệu nghi ngờ để đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh...).

Như Kinh tế & Đô thị đã thông tin trước đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam tiếp nhận 3 chùm ca bệnh gồm 10 người, trong đó 1 người đã tử vong.

Qua điều tra, những bệnh nhân trên có đặc điểm chung là ăn món cá chép ủ chua. Sáng 18/3, BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam kết nối hội chẩn online cùng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).

Nhận định tình huống khẩn cấp, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức gồm: TS Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu cùng dược sĩ Nguyễn Trọng Lộc (khoa Dược) đến trực tiếp tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam để cùng phối hợp điều trị bệnh nhân.

Đội hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp mang 5 lọc thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum. Đây là một loại thuốc rất hiếm, có giá thành hơn 6.000 USD/lọ.

Sau khi trực tiếp thăm khám bệnh nhân và làm việc với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, các bác sĩ nhận định ban đầu cả 3 chùm ca bệnh đều ăn cùng một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua.

Trong quá trình chế biến loại thức ăn này còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín, sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn nên tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển. Sau ăn ≤ 24 giờ đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa kèm yếu tứ chi tăng dần. Những trường hợp nặng đều dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ phải thở máy. Tuy nhiên, tất cả đều tỉnh, tiếp xúc được.

Cá muối ủ chua là món ăn truyền thống và đặc trưng của người dân miền núi ở Quảng Nam. Cách chế biến bao gồm cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt, sau đó ủ trong hũ kín khoảng 7-10 ngày. Các chuyên gia nhận định, việc đóng kín hũ đã tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển.