Quảng Ninh đã kiên cường vượt khó thành công, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” đề ra, giữ vững đà cải cách đổi mới sáng tạo vì hạnh phúc Nhân dân bằng tinh thần và sức mạnh “kỷ luật và đồng tâm”, bằng giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Quảng Ninh.
1. Quảng Ninh tự lực, tự cường, thần tốc khắc phục hậu quả thiên tai; nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, ước đạt 8,42%. Bão số 3 (Yagi) với cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền Việt Nam đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, gây thiệt hại hơn 28.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng thiệt hại của cả nước.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”, Quảng Ninh đã nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống Nhân dân.
2. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 2,8 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng vận hành thử nghiệm. Đây là nhà máy ô tô đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á chuyên lắp ráp, sản xuất ô tô mang thương hiệu Skoda Auto.
3. Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn do thiên tai và dịch bệnh; đã vượt đích đón hơn 19 triệu lượt khách du lịch, cao nhất từ trước tới nay, trong đó khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Tổ chức thành công gần 200 chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch và thể thao đặc sắc với nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế như Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng 2024; Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2024; đón Đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023 - 2024; Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) 2024.
4. Giáo dục - đào tạo có tiến bộ vượt bậc, khẳng định tính đúng đắn của các quyết sách chính trị cũng như nỗ lực bền bỉ của tỉnh Quảng Ninh với kết quả điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm học 2023 - 2024 tăng 11 bậc so với năm học 2022 - 2023, cao nhất kể từ trước đến nay; kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT đoạt 85 giải, cao nhất trong 6 năm gần đây, xếp thứ 8/70 đơn vị dự thi. Trên lộ trình đến năm 2025 mỗi địa phương cấp huyện trong tỉnh có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, trong năm đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều trường học theo tiêu chí chất lượng cao ở khắp các vùng miền trong tỉnh.
5. Kinh tế di sản trở thành một nguồn lực, động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững. Năm 2024, lần đầu tiên kinh tế di sản được tiếp cận một cách toàn diện ở cả góc độ khoa học, lý luận và thực tiễn của Quảng Ninh, đặc biệt qua 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (17/12/1994 - 17/12/2024) và tập trung hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
6. Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên, Đầm Hà là hai huyện miền núi đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025.
7. Thị xã Đông Triều trở thành thành phố thứ 5 của tỉnh đưa Quảng Ninh trở thành một trong hai tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước, tạo nền tảng quan trọng để Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
8. Ngày 25/6/2024, mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc). Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong thúc đẩy giao thương, xuất nhập khẩu, hợp tác kinh tế, phát triển du lịch, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa và củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
9. Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ được công nhận đạt chuẩn mức 1 theo quy định. Đến nay trường là một trong số ít trường chính trị cấp tỉnh được tổ chức lại với mô hình tổ chức, bộ máy đặc thù theo chủ trương đổi mới, sắp xếp từ năm 2015 phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là dấu mốc quan trọng, là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới.
10. Tổ chức thành công cuộc bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2025 - 2027 đồng loạt vào ngày 15/12/2024 tại 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với tỷ lệ 97,15% cử tri tham gia bầu cử. 100% thôn, bản khu phố bầu được trưởng thôn, bản, khu phố đúng nhân sự dự kiến. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện thành công mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố với phương châm “dân tin - Đảng cử” ở 4 nhiệm kỳ liên tiếp.