Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

10 xu hướng công nghệ “định hình thập kỷ” của năm 2025

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ trí tuệ nhân tạo đến sự kết nối chặt chẽ của Internet vạn vật (IoT), những xu hướng này ẩn chứa tiềm năng lớn trong việc cách mạng hóa nhiều ngành nghề và nâng cao chất lượng cuộc sống tổng thể của con người.

Hình minh họa Elite Digital.
Hình minh họa Elite Digital.

2025 được dự báo là thời điểm mang lại nhiều bước tiến đột phá, định hình lại cách con người sống, làm việc và tương tác với thế giới xung quanh. Từ trí tuệ nhân tạo đến sự kết nối chặt chẽ của Internet vạn vật (IoT), những xu hướng này ẩn chứa tiềm năng lớn trong việc cách mạng hóa nhiều ngành nghề và nâng cao chất lượng cuộc sống tổng thể của con người.

Dưới đây là một số xu hướng được cho là có tiềm năng định hình thế giới, không chỉ riêng năm 2025 mà còn trong cả thập kỷ tới:

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã chuyển mình từ một chủ đề trong khoa học viễn tưởng thành một hiện thực phổ biến. Vượt xa hơn sự tự động hóa cơ bản, năm 2025 sẽ chứng kiến sự tích hợp rộng rãi của AI vào cuộc sống hàng ngày của con người.

AI xoay quanh việc tạo ra các hệ thống máy tính có khả năng thực hiện những điều mà trước đây được cho là chỉ con người mới có thể làm được. Sự xuất hiện của các trợ lý AI cá nhân tinh vi, có khả năng dự đoán nhu cầu và sắp xếp công việc một cách hợp lý không thua kém con người, mà thậm chí còn vượt trội hơn, có thể là tiền đề cho một cuộc chuyển đổi đáng kể của các ngành dịch vụ khách hàng, y tế hoặc phân tích dữ liệu…

Các thành phố thông minh

Hãy tưởng tượng một TP tự điều chỉnh theo nhu cầu của cư dân trong thời gian thực. Hệ thống đèn giao thông tự động điều chỉnh theo mật độ phương tiện, hệ thống quản lý chất thải tối ưu hóa việc phân loại và tái chế rác, và cơ sở hạ tầng ưu tiên tính bền vững… là đặc trưng của một “thành phố thông minh”, yếu tố hứa hẹn sẽ cách mạng hóa cuộc sống đô thị.

Các TP đang trở nên thông minh hơn với việc áp dụng công nghệ để tối ưu hóa hạ tầng và cải thiện chất lượng sống. Một trong những minh chứng tiêu biểu cho xu hướng này là Smart Cities Mission - một dự án mang tầm quốc gia của Chính phủ Ấn Độ, được công bố vào tháng 6/2015. Mục tiêu của dự án là cải thiện chất lượng cuộc sống trong 100 TP được tuyển chọn bằng cách cung cấp các dịch vụ hiệu quả, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và môi trường bền vững thông qua việc áp dụng các giải pháp “thông minh”.

Thực tế mở rộng (XR)

Thực tế mở rộng (XR) bao gồm thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) là những công nghệ mới nhất góp phần xóa mờ ranh giới giữa thế giới vật lý và không gian kỹ thuật số. Trong khi AR xen kẽ những yếu tố ảo lên thế giới thực, thì VR tạo ra những thế giới ảo hoàn toàn mới.

2025 được kỳ vọng là thời điểm chín muồi để XR sẵn sàng chuyển đổi từ một ứng dụng nhỏ lẻ sang một lĩnh vực lớn được áp dụng rộng rãi. Không khó để có thể hình dung một ngày, con người có thể ngồi ở nhà vẫn có thể hòa mình vào đám đông khán giả sôi động tại một buổi hòa nhạc trực tiếp thông qua VR, hoặc được đào tạo nghề có tương tác thông qua AR trong một cơ sở sản xuất.

Internet vạn vật

Internet vạn vật (IoT) không chỉ giới hạn ở các thiết bị tiêu dùng, mà còn bao gồm cả hệ thống cơ sở hạ tầng, môi trường tự nhiên và thậm chí cả con người. Công nghệ mới này có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải, sản xuất, năng lượng đến quản lý đô thị.

Trong năm 2025, IoT được dự báo sẽ phát triển nhanh chóng với sự ra đời của các công nghệ mới như 5G, AI và điện toán đám mây. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một số thách thức đối với bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và an ninh mạng.

An ninh mạng

Khi sự phụ thuộc vào công nghệ của con người ngày càng tăng và thế giới trở nên kết nối chặt chẽ hơn với Internet, nhu cầu về các giải pháp an ninh mạng mạnh mẽ cũng vì thế mà trở nên vô cùng quan trọng.

Trong thập kỷ qua, các hình thức tấn công mạng tinh vi như thả mã độc (malware), lừa đảo qua e-mail và tin nhắn mạng (phishing), tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), xâm nhập trái phép hệ thống máy tính (hacking) và thao túng tâm lý để lừa đảo (social engineering) nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, DN và cá nhân đang ngày càng gia tăng.

Để bảo vệ bản thân và tổ chức, những biện pháp bảo mật và an ninh mạng sẽ được chú trọng và đề cao nhiều hơn trong những năm tới. Các DN, tổ chức sẽ dần chú trọng việc sử dụng mật khẩu mạnh và đa dạng, cập nhật phần mềm và hệ điều hành thường xuyên, cẩn trọng với e-mail và tin nhắn lạ, sử dụng phần mềm diệt virus và tường lửa, đồng thời đào tạo nhận thức an ninh mạng cho các nhân viên.

Máy tính lượng tử

Trong khi máy tính truyền thống xử lý thông tin dựa trên các mã nhị phân (0 hoặc 1), thì máy tính lượng tử khai thác sức mạnh của qubit, dạng đơn vị có thể tồn tại ở nhiều trạng thái đồng thời (siêu vị). Điều này cho phép chúng thực hiện các phép tính phức tạp nhanh hơn máy tính cổ điển theo cấp số mũ.

Dù vẫn ở giai đoạn sơ khai, năm 2025, có thể đánh dấu bước nhảy vọt đáng kể trong lĩnh vực điện toán lượng tử với các ứng dụng tiềm năng tác động đến các lĩnh vực như khoa học vật liệu, nghiên cứu dược phẩm và các mô hình tài chính.

In sinh học

In sinh học, hay còn được gọi là in 3D sinh học, sử dụng các tế bào sống và vật liệu sinh học để tạo ra các mô và cơ quan ba chiều. Trong năm 2025, công nghệ này dự kiến sẽ có những bước tiến đáng kể, đưa chúng ta đến gần hơn với lĩnh vực y học cá nhân hóa.

Thay vì chờ đợi một trái tim hiến tặng, chúng ta có thể “in” ra một trái tim mới, hoàn toàn tương thích với cơ thể của chính mình. In sinh học không chỉ là cuộc cách mạng trong ngành y, mà còn là bước tiến vĩ đại của nhân loại trong việc tái tạo và điều khiển sự sống.

Siêu tự động hóa

Siêu tự động hóa (Hyper-automation) là khái niệm chỉ việc sử dụng một loạt công cụ và nền tảng như AI, máy học (machine learning) và tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) để tự động hóa các quy trình kinh doanh từ đầu đến cuối. Không dừng lại các tác vụ đơn lẻ, siêu tự động hóa còn hướng đến việc tối ưu hóa toàn bộ chuỗi hoạt động, từ việc thu thập và phân tích dữ liệu, ra quyết định cho đến thực hiện các hành động.

Siêu tự động hóa đang trở thành xu hướng quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bằng cách tận dụng sức mạnh của công nghệ hiện đại, các DN có thể tăng cường hiệu quả hoạt động, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Chuỗi khối

Chuỗi khối (Blockchain), hệ thống sổ cái phân tán làm nền tảng cho tiền điện tử, là một cơ sở dữ liệu được chia sẻ và đồng bộ hóa trên nhiều máy tính khác nhau trong cùng một mạng lưới. Là một công nghệ đột phá với tiềm năng ứng dụng rộng lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, Chuỗi khối đang dần trở thành một yếu tố cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2025, các ứng dụng Blockchain được kỳ vọng sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực giao dịch tài chính và tác động đến nhiểu ngành khác như như quản lý chuỗi cung ứng, chăm sóc sức khỏe và quản lý hệ thống kiểm phiếu.

Các hình thức làm việc mới

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể cách thức làm việc của con người và được dự báo sẽ đưa các mô hình làm việc từ xa hay kết hợp trở thành chuẩn mực. Trong đó, công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và giao tiếp giữa các nhóm làm việc bị phân tán về mặt địa lý.

Tương lai của việc làm đang trải qua những thay đổi sâu sắc. Để thành công trong thế giới của các hình thức làm việc mới, con người cần không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng và thích ứng với sự phát triển của công nghệ. Bên cạnh đó, các DN cũng cần đầu tư vào công nghệ, phát triển văn hóa làm việc linh hoạt và hỗ trợ nhân viên thích ứng với những thay đổi này.