Quy mô lớn lần đầu
Theo ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia: “Hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ một sưu tập đồ gỗ sơn thếp phong phú về số lượng, loại hình và niên đại. Các hiện vật này được tìm thấy trong quá trình khai quật các ngôi mộ thời Đông Sơn ở Việt Khê, Xuân La, Minh Đức, Châu Sơn… Ngoài ra, một số hiện vật còn được tìm thấy ở các ngôi mộ hoặc nơi thờ tự của nhiều triều đại thời Lê, Nguyễn”. Với khoảng 50 hiện vật tiêu biểu liên quan trong các không gian thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng nhưng hàng chục cán bộ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với hàng trăm cán bộ bảo tàng các địa phương, cùng các nhà sưu tập tư nhân lăn lộn ngày đêm khảo cổ, so sánh từng nét hoa văn xác định niên đại, kỳ cọ từng vết nứt nhỏ để bảo quản hiện vật. Trên thực tế, một số hiện vật trong kho báu trưng bày tại triển lãm lần này đã được giới thiệu đến công chúng thông qua một số triển lãm tại các bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam... Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Cường: “Nét vàng son - Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng là lần đầu tiên giới thiệu với một quy mô tương đối toàn diện”.Nhiều đồ gỗ sơn son có giá trị hàng trăm năm sẽ được trưng bày trong triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Thanh Loan |
Bên cạnh đó là những hiện vật độc đáo trong nhóm hiện vật ban thờ thần, gồm các hương án, khám thờ, ngai thờ, bài vị, hộp đựng sắc phong, bình, lọ hoa, lỗ bộ, hoành phi câu đối; nhóm hiện vật ban thờ gia tiên gồm các hương án, khám thờ, hộp đựng bài vị, bình, lọ hoa, hoành phi câu đối... Phòng trưng bày cũng giới thiệu một số hình ảnh và công cụ, dụng cụ, các công đoạn của nghề làm vàng quì, nghề làm đồ sơn thếp: Chàng, đục, giấy bản, búa, sơn, chổi... Cùng với việc sử dụng các hiện vật trong sưu tập đồ gỗ sơn thếp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trưng bày cũng sử dụng một số hình ảnh tư liệu, phim tài liệu về các làng nghề truyền thống đồ sơn thếp như làng làm vàng quì Kiêu Kỵ, làng nghề sơn thếp Sơn Đồng; một số tác phẩm gỗ sơn tiêu biểu tại các di tích và cũng là những bảo vật quốc gia về đồ gỗ sơn thếp như tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp, phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân tại đình Nội, Bình Đà… cũng sẽ được giới thiệu ở trưng bày.
Hỗ trợ từ nước ngoàiTheo PGS.TS Đặng Văn Bài – nguyên Cục trưởng Cục Di sản, những năm đầu thế kỷ 20, tỷ lệ di vật đồ gỗ ở Việt Nam bị phá hủy nghiêm trọng. Khi đó ông Bài còn đảm nhiệm cương vị Cục trưởng. Xót xa trước các giá trị di sản đang dần nguy cơ biến mất, ông Bài thông qua Quỹ Bảo tồn Văn hóa đại sứ tìm được đến sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong việc cung cấp kinh phí cũng như kỹ thuật bảo tồn các di sản đồ gỗ. Trong 5 năm, Việt Nam đã có 6 dự án được tài trợ, trong đó mỗi dự án được thực hiện cho một thể loại khác nhau trong di sản đa dạng của Việt Nam. “Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ, hai bức tranh sơn mài vô giá đã được phục chế ở Bảo tàng Mỹ thuật. Đặc biệt, Quỹ Bảo tồn văn hoá đại sứ Mỹ đã dành 21.000 USD tài trợ cho việc phục chế và bảo quản 70 đồ gỗ sơn thiếp truyền thống tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nếu không có sự hỗ trợ này, không biết có còn lần trưng bày mang nhiều ý nghĩa giá trị vào tháng 6/2017 này không?” – ông Bài bày tỏ.Mỗi hiện vật là một câu chuyện vọng về từ quá khứ, với những dấu tích vàng son một thuở, với những thông điệp gửi gắm đến người xem về sức sống mãnh liệt của một nghề cổ truyền thống của cha ông, dẫu đã có những thăng trầm, có những lúc tưởng chừng mai một nhưng ngày nay đã được phục hồi và ngày càng phát triển.Theo các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nghệ thuật chạm khắc gỗ, sơn thếp Việt Nam là một di sản văn hóa quý báu, được lưu truyền, tiếp nối liên tục qua nhiều thời kỳ lịch sử với khối lượng di vật vô cùng đồ sộ, phong phú. Tuy nhiên, với độ ẩm trung bình trên 80% đã phá hoại nghiêm trọng giá trị này của di sản. |