120 tổ chức, doanh nghiệp “bắt tay” đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành nông nghiệp xác định yêu cầu chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh nội dung trên khi phát biểu tại Hội nghị toàn thể PSAV “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Hướng tới một nền nông nghiệp xanh”, tổ chức chiều 8/10.

Ba trụ cột của nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Việt Nam có diện tích đất đai không lớn với 33 triệu ha, trong đó 10,3 triệu ha có thể sử dụng trong nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị toàn thể PSAV chiều 8/10. Ảnh: Trọng Tùng.
Mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% năm 2020; 9 tháng đã qua của năm 2021, nông nghiệp duy trì tăng trưởng 2,74%. Vai trò của ngành nông nghiệp trở nên càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện “bình thường mới” cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Mặc dù vậy, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn. Có thể đề cập tới là khả năng cạnh tranh của các hộ sản xuất quy mô nhỏ còn hạn chế. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh nông nghiệp. Đây là cơ sở để Bộ NN&PTNT dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay. 
Chiến lược hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”. Ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. 
Khai thác nguồn lực khoa học công nghệ
Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị” của sản phẩm cả về kinh tế, xã hội, văn hóa bản địa, cảnh quan, môi trường. Ngành nông nghiệp cũng xác định cần tạo ra nhiều giá trị mới cho sản phẩm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên.
Việt Nam hướng đến phát triển một nền nông nghiệp xanh. Ảnh minh hoạ.
Nguồn lực để triển khai Chiến lược mới sẽ chủ yếu dựa vào “Tháo gỡ thể chế - Khơi thông nguồn lực”. Tăng cường hợp tác công tư trong tổng thể phát triển gắn kết, hài hoà “Nhà nước - Thị trường - Xã hội”. Huy động vốn từ cộng đồng, hợp tác xã, doanh nghiệp đối tác sẽ là một giải pháp cơ bản. Trong đó đầu tư theo hình thức Đối tác Công - Tư (PPP) là một công cụ quan trọng. 
Trên cơ sở sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), mô hình PPP đã được thể chế hóa thành Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (gọi tắt là PSAV), hiện đang triển khai 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng bao gồm: Cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, hồ tiêu, chăn nuôi và hóa chất nông nghiệp, với sự tham gia của 120 tổ chức, các công ty trong nước và quốc tế, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.
Tại hội nghị Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững (PSAV) với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Hướng tới một nền nông nghiệp xanh” chiều 8/10, đại biểu các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị đã cùng đánh giá lại hiệu quả hợp tác Công - Tư, đầu tư trong nông nghiệp bền vững trong thời gian qua. Đồng thời trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, tăng cường đầu tư, vì một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường.
Bộ NN&PTNT đánh giá việc triển khai các Nhóm công tác PPP ngành hàng đã và đang mang lại kết quả tích cực, đáng khích lệ. Đến nay, đã xây dựng được nhiều mô hình trình diễn canh tác bền vững, thân thiện mới môi trường và tăng thu nhập cho nông dân; tạo dựng một số chuỗi giá trị liên kết với các sản phẩm có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu... Qua đó, góp phần nâng cao năng lực canh tranh, giá trị gia tăng; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa, cải thiện đời sống cho người nông dân. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần