14 bị cáo trong vụ án buôn lậu tại Công ty Nhật Cường hầu toà

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tuần.

14 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này, trong đó có có 8 người từng làm việc tại Công ty Nhật Cường gồm: Trần Ngọc Anh - Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính; Đỗ Quốc Huy - Giám đốc bán hàng; Trần Tất Khoa - Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc); Hoàng Văn Phong - Trưởng ngành hàng Apple, Công ty Nhật Cường; Bùi Quốc Việt, Nông Văn Lư và Lê Hoài Phương đều là nhân viên.
 HĐXX TAND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên toà.
Tại phần khai mạc phiên tòa, HĐXX cho biết đã nhận được giấy báo tử của bị cáo Mai Tiến Dũng - nguyên Trưởng ngành hàng điện thoại cũ của Công ty Nhật Cường. Tiến hành xác minh, tòa án xác định bị cáo Mai Tiến Dũng đã tử vong ngày 23/4 tại bệnh viện E Hà Nội vì bệnh nặng. Do vậy, HĐXX quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo này. Như vậy, chỉ có 14 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này.
Theo cáo trạng, sau 28 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, đến năm 2009, vốn điều lệ của Công ty Nhật Cường từ 600 triệu đồng nâng lên 38 tỷ đồng do Tổng Giám đốc Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) góp vốn toàn bộ. Ngành nghề chính của Nhật Cường là buôn bán thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông. Ngoài ra, Bùi Quang Huy còn lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu đặt tại Quảng Châu, Trung Quốc và thuê Trần Tất Khoa làm giám đốc để tiếp nhận hàng hoá từ Hong Kong tập kết ở đây sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Từ 2014 - 5/2019 (thời điểm Công ty Nhật Cường bị khám xét), Bùi Quang Huy bị cáo buộc đã cầm đầu, tổ chức mua bán điện thoại cả cũ lẫn mới từ nước ngoài của 16 nhà cung cấp. Theo đó, Công ty Nhật Cường đã mua 2.502 đơn hàng với 254.364 sản phẩm (điện thoại iPhone, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, Apple TV, đồng hồ và một số điện thoại nhãn hiệu khác) của nhiều chủ hàng tại Mỹ, UAE, Singapore, Hong Kong. Tổng trị giá hàng hoá và chi phí tiền công vận chuyển hơn 3.000 tỷ đồng và thu lợi hơn 221 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thay vì nhập khẩu chính ngạch thì bị can Huy lại chi 72,9 tỷ đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển hàng hoá trái phép từ Hong Kong về Việt Nam. Các hoạt động mua bán hàng hóa từ nước ngoài đều không có hóa đơn, chứng từ, không khai báo cơ quan có thẩm quyền. Bị can Huy cũng chỉ đạo nhân viên chỉ theo dõi, giao dịch hàng hoá trên phần mềm quản lý nội bộ ERP. Khi hàng về trót lọt về kho, Huy chỉ đạo Đỗ Quốc Huy - Giám đốc bán hàng của Nhật Cường cho nhân viên nhập số IMEI (mã nhận dạng thiết bị di động quốc tế) với từng sản phẩm. Các cửa hàng trưởng của Nhật Cường Mobile nhận mặt hàng này để bán cùng hàng nhập khẩu chính hãng trong nước, hàng từ nước ngoài có hoá đơn chứng từ. Chính việc trộn lẫn các sản phẩm, thiết bị buôn lậu, khiến giá thành hàng hoá tại Nhật Cường thường rẻ hơn các nhà phân phối khác trên thị trường.
 Các bị cáo tại phiên toà.
Về hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, Bùi Quang Huy bị cáo cuộc là người chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán theo dõi hoạt động công ty; chỉ đạo Giám đốc tài chính Nguyễn Bảo Ngọc và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng ghi chép số liệu liên quan lên hai hệ thống này. Trong đó, nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí chỉ được ghi trên phần mềm để theo dõi nội bộ.
Bên cạnh đó, bị can Huy cũng chính là người chỉ đạo không đưa các số liệu này vào phần mềm để báo cáo thuế, tài chính, bỏ ngoài sổ sách nguồn vốn hoạt động thực tế của công ty.  Hành vi trên chỉ tính phần nghĩa vụ nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh của Nhật Cường đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần