Viện KSND TP Đà Nẵng đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm liên quan đến Công ty CIT
Kinhtedothi – Công ty Cổ phần đầu tư và Du lịch CIT (Công ty CIT), trụ sở tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế khởi kiện bà Trần Thị Liên Hoa (SN1972, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vì không trả số nợ 1 tỷ đồng. Xung quanh vụ kiện, người trong cuộc có nhiều ý kiến phản hồi...

Phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án. Ảnh: VTV8
Hồ sơ tài chính được xác định, bản án tại phiên toà sơ thẩm thấu tình đạt lý
Theo đó, Công ty CIT khởi kiện bà Trần Thị Liên Hoa yêu cầu hoàn trả 1 tỷ đồng theo hợp đồng vay năm 2010. Tuy nhiên, tại cấp sơ thẩm, TAND quận Hải Châu đã thu thập đầy đủ Báo cáo tài chính (BCTC) từ Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế – nơi Công ty CIT đặt trụ sở – cho thấy số dư công nợ đến năm 2011 đối với bà Hoa chỉ còn 300 triệu đồng. Số tiền 700 triệu đồng trước đó đã được tất toán qua Phiếu thu số PT 09/04 ngày 18/4/2011.
Đáng chú ý, Phiếu thu này không chỉ là một tờ giấy mang tính nội bộ mà được phản ánh thống nhất trong sổ quỹ tiền mặt, sổ tổng hợp công nợ tài khoản 1388 và xuất hiện xuyên suốt trong các BCTC của doanh nghiệp từ năm 2011 đến nay. Các số liệu này hoàn toàn trùng khớp giữa các tài liệu do bà Trần Thị Liên Hoa cung cấp và bản do Toà án cấp sơ thẩm thu thập được từ Cục thuế chuyển giao – đây được coi là chứng cứ khách quan, hợp pháp, có giá trị pháp lý rõ ràng.
Vì vậy, bản án sơ thẩm tuyên bà Hoa chỉ còn nghĩa vụ trả 300 triệu đồng cho Công ty CIT là phán quyết phù hợp với hồ sơ chứng cứ, thấu tình đạt lý.
Phiên toà phúc thẩm với nhiều tình tiết bất ngờ
Không đồng ý với phán quyết tại phiên toà sơ thẩm, Công ty CIT đã kháng cáo. Tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) lại từ chối công nhận Phiếu thu PT09/04 (Phiếu thu này thể hiện nội dung ngày 18/4/2011, bà Trần Thị Liên Hoa đã hoàn trả 1 phần số tiền đã mượn của Công ty CIT ngày 7/12/2010 là 700 triệu đồng), với lý do bà Liên Hoa “không nộp bản gốc”.
Tuy nhiên, điều này không phù hợp với các nội dung trong các bản BCTC năm 2011, 2012 của Công ty CIT do chính phía Công ty cung cấp: trong các BCTC này xác định số tiền Công ty CIT còn phải thu của bà Trần Thị Liên Hoa là 300 triệu đồng, không phải 1 tỷ đồng; tại trang số 1 tổng hợp phải thu của khách hàng tài khoản 1388 – phải thu khác năm 2011 thể hiện khoản dư nợ đầu kỳ của bà Liên Hoa là 1 tỷ đồng, phát sinh có 700 triệu đồng, dư nợ cuối là 300 triệu đồng; tại trang 15 Sổ quỹ tiền mặt, tài khoản 111 năm 2011 thể hiện nội dung ngày 18/4/2011, bà Trần Thị Liên Hoa đã trả Công ty CIT số tiền 700 triệu đồng.
Đại diện Công ty CIT, ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho rằng: thời điểm đó, vì bà Hoa chưa trả tiền nên ông phải nộp số tiền 700 triệu vào Công ty. Tuy nhiên, không có hồ sơ tài liệu và chứng cứ chứng minh cho việc này.
Bên cạnh đó, việc cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận số tiền 700 triệu đồng đã được hoàn trả. Dù người thanh toán là ông Phạm Văn Hải – Tổng Giám đốc Công ty hay bà Trần Thị Liên Hoa, thì quyền lợi của Công ty CIT đã được đảm bảo. Vậy, nếu số tiền đã được trả một phần thì Công ty CIT khởi kiện bà Trần Thị Liên Hoa yêu cầu trả 1 tỷ đồng là không có căn cứ.
Theo bà Trần Thị Liên Hoa, đại diện ủy quyền của bà đã đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để xác minh Phiếu thu gốc, đồng thời yêu cầu được tiếp cận các tài liệu mới do Toà án cấp phúc thẩm thu thập được (đó là đơn trình bày của bà Tú và ông Bốn - những người làm chứng trong vụ án) và tài liệu do nguyên đơn nộp là các BCTC điều chỉnh, phiếu thu do ông Hải nộp tại toà nhưng tất cả những yêu cầu này đều không được chấp nhận.
Bên cạnh đó HĐXX lại tin tưởng lời khai của bà Hoàng Thị Tú – một người làm chứng vắng mặt ở toàn bộ các phiên toà xử trước đó. Bà Tú xác nhận có ký trên phiếu chi và nói mơ hồ rằng “có chi tiền nhưng không nhớ rõ chi cho ai”. Tuy nhiên, chính bà này cũng cho biết phiếu thu có hai liên – nhưng tòa án lại không thu thập liên còn lại, mà mặc nhiên coi như bà Trần Thị Liên Hoa không chứng minh được.
Đại diện Viện KSND TP Đà Nẵng giữ quan điểm đồng ý với bản án sơ thẩm
Khác với HĐXX, đại diện Viện KSND TP Đà Nẵng tại phiên toà phúc thẩm giữ quan điểm: giữ nguyên bản án sơ thẩm, vì chứng cứ đã rõ ràng, khách quan, bà Trần Thị Liên Hoa chỉ còn nợ Công ty CIT 300 triệu đồng. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tinh thần pháp luật tố tụng dân sự, đặc biệt là quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: sự kiện được các bên đương sự thừa nhận thì không cần phải chứng minh.
Ngay sau khi diễn ra phiên toà phúc thẩm, bà Trần Thị Liên Hoa cho biết sẽ kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm. Bà Hoa cho rằng: các tài liệu chứng cứ mới, các BCTC điều chỉnh mà HĐXX tại phiên toà phúc thẩm đưa ra có thật sự khách quan, khi người lập, người điều chỉnh không rõ, nội dung thay đổi không được giải trình và chưa có bất kỳ xác nhận nào từ cơ quan thuế?

Người dân khởi kiện quyết định hành chính của UBND TP Thủ Đức
Kinhtedothi - Bị thu hồi hơn 301,m2 đất để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) và đền bù gần 1,68 tỉ đồng. Tuy nhiên chủ đất đã khởi kiện các quyết định hành chính của UBND TP Thủ Đức vì cho rằng chưa thoả đáng.

ABBANK công bố báo cáo tài chính 2024 và chuẩn bị tổ chức họp đại cổ đông 2025
Kinhtedothi - Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) chính thức công bố báo cáo tài chính năm 2024 sau kiểm toán và triển khai các công tác chuẩn bị tổ chức họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên vào ngày 18/4/2025.

Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, khơi thông nguồn lực đất đai tại Đà Nẵng
Kinhtedothi - Ngày 1/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai đang “mắc kẹt” trong kết luận thanh tra, kiểm tra và bản án tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa.