KTĐT - Một người đàn ông họ Lưu chờ đợi trong tâm trạng nóng giận ở cổng vào trường mẫu giáo công lập tại quận Tuyên Vũ, Bắc Kinh. Con của anh sẽ phải cạnh tranh với hơn 600 em khác để vào ngôi trường này với chỉ tiêu chỉ tuyển 130 học sinh.
140 người xếp hàng, với chăn, lều bạt, ghế chờ đợi từng giờ trôi qua ở một con phố Bắc Kinh trong suốt một tuần lễ.
Họ không phải là những người hâm mộ cuồng tín, sống chết tìm được một chiếc vé nào đó. Họ là cha mẹ, ông bà của những đứa trẻ lên hai lên ba, xếp hàng để xin cho con, cháu vào học trường mẫu giáo công lập quận Trường Bình.
"Bất chấp thời gian chờ đợi, chỉ một nửa trong số này được nhận”, người cha là Lí Tiểu Hoà cho biết. Anh là một trong hàng triệu bậc phụ huynh Trung Quốc vật lộn tìm trường mẫu giáo cho con.
Cạnh tranh khốc liệt
Một người đàn ông họ Lưu chờ đợi trong tâm trạng nóng giận ở cổng vào trường mẫu giáo công lập tại quận Tuyên Vũ, Bắc Kinh. Con của anh sẽ phải cạnh tranh với hơn 600 em khác để vào ngôi trường này với chỉ tiêu chỉ tuyển 130 học sinh.
Sau khi xem xét hồ sơ của học sinh, các giáo viên sẽ phỏng vấn cha mẹ. Lưu cho biết, anh và những người khác đã chuẩn bị hàng tháng trời cho cuộc phỏng vấn này. "Đây cũng chỉ là ngôi trường bình thường, ít người biết tới, chúng tôi không chọn trường nổi tiếng, vậy tại sao khó khăn đến thế?”, Lưu nói.
Trong hàng người bên ngoài trường mẫu giáo số 13 ở quận Nam Khai, Thiên Tân, người mẹ trẻ là Lí Dư Hạ đang cố gắng tìm một chỗ trong trường cho cô con gái mới hai tuổi, nhưng hình như không thành công. "Sao lại như thế? Tôi hỏi chỗ từ cách đây hai năm, và họ vẫn nói không còn”.
Hơn 500 suất xin vào vườn trẻ số 1 quận Nam Khai năm nay, nhưng chỉ 90 em được nhận.
Mỗi quận trong tổng số sáu quận nội thành của Thiên Tân chỉ có 20-30 vườn trẻ công lập, nên không thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, một quan chức họ Linh thuộc cơ quan giáo dục quận cho biết.
Tại Bắc Kinh, số trường mẫu giáo giảm từ 3.056 trường năm 1996 xuống còn 1.266 trường gần đây – theo thống kê của Uỷ ban giáo dục thành phố.
Thành phố với hơn 17 triệu dân này chỉ có 383 vườn trẻ chất lượng. Vấn đề xuất hiện từ năm 2000 khi chính phủ tiến hành cải cách giáo dục mẫu giáo, yêu cầu rất nhiều vườn trẻ đi theo mô hình kinh doanh thương mại.
Số vườn trẻ công lập đã giảm từ 16.000 trường năm 2000 xuống còn 5.000 trường vào năm 2007.
Thêm vào đó, số trẻ sinh ra trong năm 2007 - một năm tốt lành theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc và năm 2008 – năm tổ chức Olympic Bắc Kinh đều tới tuổi đến trường. Tỉ lệ sinh trong hai năm nay tại Bắc Kinh, Thượng Hải và những thành phố lớn khác của Trung Quốc đều tăng vọt.
Gánh nặng với cha mẹ trẻ
Học phí vào một trường mẫu giáo công lập ở Bắc Kinh vào khoảng 10.000 nhân dân tệ/năm, nhưng trên thực tế, đây chỉ là một phần chi phí thực.
Các vườn trẻ công thường yêu cầu một khoản gọi là “hỗ trợ nghiên cứu” khoảng 10.000 nhân dân tệ khác/năm, cha mẹ phải ký vào thoả thuận khẳng định đây là tự nguyện đóng góp, một phụ huynh ở Bắc Kinh nói: "Vì thế, học phí thường là 20.000 nhân dân tệ/năm".
Ở quận Nam Khai, Thiên Tân, học phí vào khoảng 1.700 nhân dân tệ/tháng, trong khi thu nhập bình quân theo đầu người của thành phố vào khoảng 1.786 nhân dân tệ. "Với các bậc cha mẹ trẻ có thu nhập thấp, đây thực sự là một gánh nặng”, Lưu Văn Phong, người đứng đầu một vườn trẻ cho biết.
Số lượng các vườn trẻ tư còn rất nhỏ và xuất phát từ hai thái cực: hoặc quá đắt đỏ, hoặc là những trường học phí thấp, chất lượng thấp.
"Các vườn trẻ tư không được hỗ trợ tài chính từ chính phủ và phục thuộc vào học phí để tồn tại. Phần lớn các cha mẹ không đủ tiền cho con vào trường cao cấp, họ cũng rất lo lắng chất lượng ở các trường học phí thấp”, Cao Hoà, phụ trách vườn trẻ tư Ozkids tại Thiên Tân nói.
Theo một giáo viên, trường Baston Bilingual tại Bắc Kinh thu phí 7.000 nhân dân tệ/tháng, không gồm tiền đóng cho học thêm năng khiếu như múa hát, vẽ.
Ở các khu vực nông thôn của Bắc Kinh, Thiên Tân, Thạch Gia Trang, hay những thành phố khác, công nhân di cư và các gia đình nghèo thường gửi con đến các trường mẫu giáo “chui” kém chất lượng và hoạt động trái phép.
Chính phủ vào cuộc
Các thành phố của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, nhưng số lượng các trường mẫu giáo công lập - chọn lựa chính của phụ huynh lại đang sụt giảm.
Ngân quỹ dành cho các trường mẫu giáo lại không cân xứng, chỉ chiếm 1,92% ngân quỹ giáo dục chung tại Bắc Kinh năm 2007, so với 2,05% năm 2000. Tỉ lệ trung bình trên toàn quốc là 1,3%.
"Chỉ 29/40 nhân viên trường tôi được chính phủ trả lương. Chúng tôi phải gia tăng học phí để chi trả lương cho những người khác và duy trì hoạt động”, hiệu trưởng một trường công lập nói.
Rất nhiều vườn trẻ tư đã hy sinh chất lượng để đổi lấy lợi nhuận hay sự tồn tại. Nhằm giúp những trường này lấy lại lòng tin từ các bậc cha mẹ, chính phủ cần có một hệ thống quản lý tốt hơn và giúp họ phát triển, Chu Dũng Tâm, phó Chủ tịch Hội Giáo dục Trung Quốc nói.
Trong kế hoạch cải tổ và phát triển giáo dục từ 2010 - 2020, được thông qua ngày 5/5, chính phủ Trung Quốc đã cam kết phổ cập giáo dục mẫu giáo một năm ở toàn quốc, hai năm ở hầu hết các khu vực.
"Lần đầu tiên, kế hoạch đề cập tới phổ cập giáo dục mẫu giáo như một chính sách quốc gia”, Hàn Thanh Lâm - một thanh tra giáo dục thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết.
Nó thay thế chính sách trước đây chủ yếu trông chờ vào vườn trẻ tư với sự tập trung mới vào hệ thống giáo dục mẫu giáo công lập.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ đầu tư 1,5 tỉ nhân dân tệ để xây dựng 200 vườn trẻ, 200 triệu nhân dân tệ để mở rộng các vườn trẻ hiện có. Thiên Tân lên kế hoạch xây mới 25 vườn trẻ trong năm nay, đặt mục tiêu phổ cập giáo dục mẫu giáo từ 3-6 tuổi đạt 94%.
Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh đã yêu cầu các nhà thầu coi xây dựng vườn trẻ là một phần trong các dự án bất động sản.
Thượng Hải yêu cầu xây dựng thêm 400 nhà trẻ ở ngoại ô và các vùng kém phát triển hơn đô thị. Tỉnh Vân Nam cũng tuyên bố dự án xây dựng hoặc mở rộng 1.000 vườn trẻ trong các thị trấn, làng mạc.