15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: Bản làng “thay da, đổi thịt”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, 15 năm qua, TP Hà Nội đã quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Thủ đô.

Tốc độ phát triển bình quân 11%/năm

Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác dân tộc, TP Hà Nội xác định việc thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể.

Cùng với việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương, TP đã ban hành các chủ trương, chính sách riêng để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô.

Một góc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Ba Vì (TP Hà Nội).
Một góc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Ba Vì (TP Hà Nội).

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thủ đô Hà Nội”. HĐND TP Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết phân bổ ngân sách. 

 

Trong 15 năm qua, TP Hà Nội đã dành trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm… cho 5 huyện, 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.

Theo Trưởng Ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân, những chính sách đúng đắn, kịp thời, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền của TP, các huyện và sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, đã tạo nên bước chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo ở vùng DTTS và miền núi của Thủ đô. 

Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm... được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện.

Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân hàng năm đạt trên 11%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/năm, có xã 60 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều nơi, bộ mặt làng, bản đã có nhiều khởi sắc, thay da, đổi thịt; bản sắc văn hóa của vùng đồng bào DTTS được duy trì và phát huy...

Tạo sinh kế cho đồng bào vùng dân tộc

Những kết quả đạt được sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đến từ sự quan tâm đầu tư lớn của TP. Bên cạnh đó, không thể không kể tới sự cố gắng của các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, và đặc biệt là đóng góp tích cực của đồng bào các DTTS. 

Dù vậy, nhìn nhận thẳng thắn, hiện nay, sự chênh lệch về thu nhập, giàu nghèo giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với vùng đồng bằng trên địa bàn Thủ đô còn có khoảng cách khá xa; vùng DTTS và miền núi vẫn là vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chậm phát triển. 

Hà Nội xác định tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới.
Hà Nội xác định tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới.

Trước tình hình đó, đòi hỏi Ban Dân tộc Hà Nội, đội ngũ những người làm công tác dân tộc từ TP đến cơ sở cần chủ động, tích cực tham mưu cho TP đề ra chủ trương sát, đúng tình hình thực tế; đặc biệt là phù hợp nguyện vọng của đồng bào, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.

Kế thừa thành quả 15 năm sau hợp nhất, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư nguồn lực phát triển cho đồng bào vùng DTTS và miền núi, nhất là hạ tầng để bà con có điều kiện sản xuất trên chính mảnh đất của mình. TP cũng sẽ rà soát, xây dựng các đề án để duy trì và phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào. Trên cơ sở đó đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Lãnh đạo UBND TP cũng đề nghị các cấp, ban ngành cần tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030. 

 

“Để đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày một tốt hơn, trong thời gian tới, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị của TP cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Triển khai hiệu quả các chính sách chung của Trung ương và hỗ trợ đặc thù của Hà Nội dành cho đồng bào các dân tộc…”

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến