Thời điểm kinh hoàng của lịch sử nước Mỹ
Ngày 11/9/2001, 19 tên không tặc đã cướp 4 máy bay thương mại của Mỹ lần lượt tấn công các mục tiêu. 8h46, nhóm khủng bố trên chiếc máy bay American Airlines Flight 11 lao vào Tháp Bắc. 17 phút sau đó, chúng tấn công tòa tháp còn lại trên chiếc máy bay United Airlines Flight 175 và 34 phút sau, một máy bay khác bị nhóm không tặc khống chế và cho đâm vào trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Lầu Năm Góc tại Washington. Chiếc máy bay thứ 4 bị nhóm không tặc điều khiển rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania. Tính đến 10h03 sáng 11/9, gần 3.000 người đã thiệt mạng. Bên cạnh đó, hơn 6.000 người khác bị thương trong vụ khủng bố và rất nhiều người bị các di chứng về tâm lý, bệnh tật khác kéo dài đến tận ngày nay.
Tòa tháp đôi - biểu tượng một thời của nước Mỹ bị tấn công hôm 11/9/2001 |
Nhà Trắng hôm 8/9 đã phát thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Sự kiện 11/9 là một trong những ngày thảm kịch nhất trong lịch sử nước Mỹ… Chúng ta ngừng lại để nhớ rằng trong buổi sáng bi thảm, đất nước chúng ta đã gánh chịu một cuộc tấn công chưa từng thấy. Chúng ta đã phải chứng kiến cột khói bốc lên trên Trung tâm Thương mại Thế giới, chúng ta đã cầu nguyện cho sự an toàn của đồng bào ta và cố gắng giúp đỡ họ. Bây giờ chúng ta sẽ nhớ về những người đã khuất”.
Dù trên nền đất của tòa tháp đôi vốn là biểu tượng một thời của xứ cờ hoa, Trung tâm Thương mại Quốc tế mới mở lại năm 2014 đã minh chứng rõ nét cho một nước Mỹ vượt qua quá khứ để vươn đến tương lai; nhưng nỗi lo sợ lặp lại một thảm họa 11/9 thứ hai dường như chưa bao giờ bị đẩy lùi. Đối với những người dân New York mất người thân, hay từng đối diện ranh giới mong manh giữa sống và chết trong vụ thảm họa, những ký ức vẫn mới như ngày hôm qua. Garcia, một công dân Mỹ 33 tuổi, là học sinh trung học vào thời điểm xảy ra thảm họa. Cô đã chứng kiến các máy bay đâm vào tháp đôi, sau đó bốc cháy cùng với sự sụp đổ của tòa nhà và như hàng trăm ngàn người dân New York vào ngày hôm đó, phải đi bộ về nhà do hệ thống tàu điện bị ngừng trệ. “Nỗi sợ hãi đó chưa từng buông tha tôi. Tâm trí tôi luôn run lên khi sự kiện đó được nhắc lại trên TV hay dù chỉ nghe thấy tiếng máy bay”, Garcia chia sẻ.
Gian nan cuộc chiến chống khủng bố
Tờ Straitstimes ngày 10/9 đăng tải bài báo có tiêu đề “16 năm sau ngày 11/9, New York vẫn thận trọng hơn bao giờ hết.” Kể từ năm 2001, New York đã thành lập đơn vị chống khủng bố riêng biệt với khoảng 2000 quân nhân và đại diện từ các thủ đô các nước. Lực lượng quân đội bao gồm 38.000 người thường xuyên chia kíp tuần tra trong và ngoài thành phố, cùng với đó là hệ thống camera đường phố dày đặc. Chiến dịch “Nếu nhìn thấy, Hãy nói” được phát động để nâng cao cảnh giác cho người dân New York trước mọi biểu hiện khủng bố. Cận lễ tưởng niệm sự kiện này năm nay, tại Quảng trường Thời đại, như bao ngày bình thường,các du khách vẫn vây quanh chụp ảnh lưu niệm, những biển quảng cáo vẫn nhấp nháy đủ màu sắc, nhưng không thiếu sự canh chừng cẩn mật của các tốp cảnh sát. Bốn chiếc xe tuần tra đỗ tại khu vực phía trước quảng trường, khu vực đi bộ được hàng rào sắt bao quanh nhằm tránh nguy cơ “sói đơn độc” lao xe vào đám đông, kịch bản khủng bố quen thuộc kể từ đầu năm nay ở một số nước châu Âu.
Thực tế là 16 năm sau, hơn 1.000 người thiệt mạng trong thảm họa 11/9 vẫn chưa được xác định danh tính, nhiều khúc mắc liên quan vẫn chưa được giải đáp và nước Mỹ vẫn loay hoay trong cuộc chiến chống khủng bố do chính mình khởi xướng. Mỹ đã bị "sa lầy" nhiều năm ở chiến trường Iraq và Afghanistan, còn Trung Đông trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Tuy Mỹ và liên quân đã tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden, làm suy yếu phần nào mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, lật đổ chế độ Taliban…, nhưng Mỹ vẫn không thể tiêu diệt tận gốc những mối nguy này. Bên cạnh đó, Mỹ và thế giới lại tiếp tục phải đối mặt với một mối nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoài ra, còn một số lượng lớn những “con sói đơn độc” đang gia tăng. Đây là những kẻ không nằm trong danh sách thành viên của tổ chức khủng bố nào, nhưng lại là những phần tử có tư tưởng chính trị cực đoan, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, những kẻ phân biệt chủng tộc. Không chỉ tại Mỹ, thế giới liên tiếp chứng kiến “vòi bạch tuộc” của lực lượng khủng bố vươn ra châu Âu và gần đây đe dọa cả khu vực Đông Nam Á. Tưởng niệm về những nạn nhân của thảm họa kinh hoàng ngày 11/9 cũng là thời điểm để Mỹ và cả thế giới có thêm động lực chiến đấu với vấn nạn khủng bố, vốn vẫn ám ảnh như ký ức về tòa tháp đôi sụp đổ năm nào.