Theo đó, tại Cần Thơ, từ ngày 16-19/2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn và phường Long Hòa, quận Bình Thủy làm 500 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 700 con. Như vậy, tính đến ngày 19/2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 5 xã thuộc 3 quận huyện Ô Môn, Bình Thủy, Phong Điền của tỉnh Cần Thơ làm 2.280 con gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Chi cục Thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định. UBND có quyết định công bố dịch tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Tại tỉnh Vĩnh Long, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi thuộc 7 xã của 3 huyện: Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn và thị xã Bình Minh làm 5.705 con mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 12.942 con. Chi cục Thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định. Tính đến ngày 19/2, cả nước có 64 ổ dịch cúm gia cầm tại 16 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long. Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. Ngày 19/2, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới. Trong khi đó, dịch lở mồm long móng tiếp tục xảy ra tại Bắc Kạn. Cụ thể dịch đã xảy ra tại 6 thôn, 3 xã, 2 huyện Pắc Nậm và Ba Bể làm 126 con gia súc (72 trâu, 41 bò và 13 con lợn mắc bệnh). UBND tỉnh đã có Quyết định số 290/QĐ-UBND về việc công bố dịch lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tính đến ngày 19/2, cả nước có tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn có ổ dịch lở mồm long móng.