Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

17 chương trình tín dụng chính sách giúp nhiều hộ được vay vốn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 517 về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014, của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị số 40-CT/TW) trên địa bàn TP.

Theo đó, hiện nay, toàn TP đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ cho vay đến 30/6/2019 đạt 7.913 tỷ đồng, tăng 3.192 tỷ đồng so với năm 2014 với trên 289.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Tổng doanh số cho vay từ cuối năm 2014 đến nay đạt 13.226 tỷ đồng, với hơn 487.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 10.032 tỷ đồng, bằng 78% doanh số cho vay.
Giải ngân cho vay vốn từ Quỹ Khuyến nông TP tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai. Ảnh: Lam Thanh
Trong tổng số 17 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP, dư nợ cho vay tập trung chủ yếu vào 9 chương trình lớn, chiếm 99,8% trên tổng dư nợ. Cụ thể như cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; nhà ở xã hội.
Cùng với đó, đối với nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương, dư nợ cho vay đến 30/6/2019 đạt 2.817 tỷ đồng với gần 81.000 khách hàng đang vay vốn.
Trong 5 năm qua, thông qua nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội TP đã giải ngân cho trên 134.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 147.000 lao động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3.906 căn nhà cho hộ nghèo.
Theo đánh giá của Thành ủy, Chỉ thị số 40-CT/TW đã huy động, tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua đó, góp phần triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Từ kết quả đạt được, thời gian tới, Thành ủy tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tiếp tục nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ… giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.