Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

182 người chết và mất tích do thiên tai chỉ sau hơn 1 năm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 182 người chết, mất tích cùng thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng là những con số đáng lo ngại từ ảnh hưởng ngày một bất thường, cực đoan, trái quy luật của thiên tai tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2022 đến tháng 4/2023.

Thiệt hại cao gấp nhiều lần năm 2021

Theo thống kê vừa được Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai công bố, trong năm 2022, các vùng miền của cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần); trong đó, có 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 286 trận động đất; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, 2 đợt rét đậm, rét hại, 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và 2 đợt nắng nóng, hạn hán…

Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4,5,6, nhất là tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả khi chưa vào thời kỳ mùa lũ và duy trì trong một thời gian khá dài. Đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa sông Hồng đi vào khai thác, vận hành.

Hồ Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An) chủ động vận hành để ứng phó thiên tai.
Hồ Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An) chủ động vận hành để ứng phó thiên tai.
 

Thiên tai năm 2022 trên toàn thế giới đã làm 30.700 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế trên 224 tỷ USD.

Tại khu vực miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên; liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ngoài ra, triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn từ 1,5 - 2 m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; 247 trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum… 

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. Con số này cao gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021. Từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp tục xảy ra hàng chục trận mưa lớn, dông lốc, sạt lở bờ sông, động đất… khiến 7 người mất tích; thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, năm 2023, số lượng bão, ATNĐ hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11 - 13 cơn trên biển Đông và 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền); bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8 - 10/2023 và giảm dần từ tháng 11/2023.

Đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động (BĐ) 1 - 2, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2 - 3, tập trung trong các tháng 7 - 9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức BĐ 1 - 2, có sông trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức BĐ 2 - 3, có sông trên BĐ3 (ở mức xấp xỉ TBNN và năm 2022). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.

Nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2023.
Nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2023.

Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, nhiệm vụ đặt ra là cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt với người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Đối với công tác phòng ngừa, cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là những dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai…

Nâng cao năng lực, chất lượng đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chủ động, hiệu quả cũng là yêu cầu đặt ra trong bối cảnh thiên tai diễn biến khó lường hiện nay. Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước…

Cá bộ ngành, địa phương cũng cần xác định đầu tư cho PCTT & TKCN là đầu tư cho phát triển bền vững, vì vậy cần được quan tâm đặc biệt. Theo đó, cần đa dạng hoá việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Ưu tiên bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn dự phòng ngân sách hàng năm để chủ động thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình tổng thể về phòng, chống thiên tai.