Bộ LĐTB&XH đã thông tin về việc thực hiện chính sách người cao tuổi. Theo đó, thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đã có gần 1,5 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Và có khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Đồng thời, có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Đến nay, 14 tỉnh, TP nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội; 32 tỉnh, TP mở rộng đối tượng là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo đối tượng đặc thù của địa phương.
Để đảm bảo đời sống cho đối tượng người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, ngày 1/7/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là 500.000 đồng/tháng.
Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Trong đó có 2,2 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu hàng tháng và hơn 478.000 người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng...
Đồng thời, hiện toàn quốc còn 275.000 người cao tuổi đang tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu trong thời gian tới.
“Mức chuẩn trợ giúp xã hội được nâng từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng đã góp phần bảo đảm mức sống tối thiểu của đối tượng bảo trợ xã hội. Việc Chính phủ quy định các địa phương thực hiện việc điều chỉnh chế độ trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội ngay từ 1/7/2024 mà không cần ban hành nghị quyết của HĐND cũng góp phần giảm thủ tục hành chính, giúp người dân yếu thế được hưởng chế độ, chính sách ngay khi Nghị định được ban hành” – Bộ LĐTB&XH nhận định.