2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch đều liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine

QUANG HẢI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, cả 3 ca bệnh trong vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch ở Bệnh viện (BV) Phụ nữ TP Đà Nẵng đều là sự cố y khoa nghiêm trọng, liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine.

Đều liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine
Ngày 17/12, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, Hội đồng chuyên môn đã có kết luận về vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch nghi do thuốc gây tê xảy ra tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng. Kết luận do bác sĩ Nguyễn Út – Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn ký.
 Bác sĩ Nguyễn Út (mặc áo vest đen) – Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng thông tin báo chí về vụ việc hồi tháng 11 vừa qua.
Theo đó, sau khi nghe báo cáo, nghiên cứu hồ sơ, thu thập dữ liệu và ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn kết luận: BV Phụ nữ Đà Nẵng là BV ngoài công lập, hoạt động và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo đúng chức năng đã được phê duyệt và thực hiện các kỹ thuật tuân thủ các quy định; danh mục chuyên môn kỹ thuật được cấp phép. Các thành viên tham gia điều trị các ca này đều có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn phù hợp. Tuy nhiên, có 1 bác sỹ gây mê chính là cơ hữu, 1 bác sỹ không cơ hữu nhưng có hợp đồng với BV.
Tính tới thời điểm xảy ra sự cố, BV Phụ nữ và Sở Y tế chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho các bệnh nhân bị sự cố từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan và nhà cung ứng thuốc.
Kết quả kiểm nghiệm thuốc ngày 9/12/2019 của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương về mẫu thuốc Bupivacaine (49Gt 115 và 49Gt 116) cho kết quả đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở.
 Kết luận của Hội đồng chuyên môn. 
“Cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng, liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine”, kết luận khẳng định.
Cụ thể, nguyên nhân của hai ca tử vong: nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê Bupivacaine. Ca thứ ba rất nguy kịch được xác định ngộ độc thuốc tê Bupivacaine.
Có hay không sai sót chuyên môn của BV Phụ nữ Đà Nẵng?
Về xác định có hay không sai sót chuyên môn của BV Phụ nữ Đà Nẵng, Hội đồng chuyên môn cho biết: Quy trình tổ chức đón tiếp, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân của BV Phụ nữ Đà Nẵng là thực hiện đúng quy định; các chẩn đoán bệnh chính và bệnh kèm, biến chứng là phù hợp.
Tuy nhiên, về trường hợp sản phụ Lê Huỳnh Phương Tr., hồ sơ bệnh án không thể hiện rõ diễn biến lâm sàng cũng như y lệnh cụ thể trong quá trình cấp cứu người bệnh.
Đối với ca bệnh sản phụ Võ Thị Nhất S., Hội đồng chuyên môn kết luận: BV Phụ nữ Đà Nẵng chưa tiên lượng tốt ca bệnh này sẽ diễn tiến theo chiều hướng nặng hơn nên việc cấp cứu và theo dõi sau mổ tại BV quá lâu trước khi chuyển kịp thời bệnh nhân đến tuyến trên. Tuy nhiên, BV Phụ nữ quyết định chuyển bệnh nhân đến BV Phụ sản – Nhi là tương đối phù hợp với tình trạng bệnh nhân lúc đó.
 BV Phụ nữ Đà Nẵng, nơi xảy ra sự cố đáng tiếc.
Từ kết luận trên, Sở Y tế TP Đà Nẵng đề nghị BV Phụ nữ cần rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố y khoa này; tập trung chú trọng khâu tiên lượng bệnh và triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa theo đúng quy định của Bộ Y tế và báo cáo ngay phản ứng có hại của thuốc (ADR) theo quy định.
 Trước đó, vào khoảng 8h ngày 17/11, sản phụ Võ Thị Nhất S. (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập viện BV Phụ nữ Đà Nẵng để chờ sinh mổ khi đang mang thai 38 tuần 3 ngày. Các bác sĩ chỉ định sinh mổ bắt thai trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối. Đến khoảng 11h20 cùng ngày, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi. Nhưng đến cuối ca mổ, sản phụ S. có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân S. được chuyển sang BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và đến khoảng 20h cùng ngày, bệnh nhân S. tử vong.
Trong ngày 17/11, BV Phụ nữ Đà Nẵng cũng tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Huyền (SN 1987, trú quận Liên Chiểu) đang mang thai 37 tuần 1 ngày trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15h5 cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ. Bệnh nhân Huyền được gây tê tủy sống nhưng sau đó có các biểu hiện tương tự sản phụ S. như đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển sang BV Đà Nẵng.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy cháu bé ra ngoài, chuyển sản phụ Huyền vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc trong tình trạng nguy kịch. Sản phụ Huyền sau đó đã được cứu sống, các chỉ số sức khỏe trở lại bình thường và được xuất viện.
Vào khoảng cuối tháng 10/2019, sản phụ Lê Huỳnh Phương Tr. (SN 1987, trú quận Hải Châu) cũng nhập BV Phụ nữ Đà Nẵng để sinh mổ và sau đó tử vong với các triệu chứng tương tự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần