The Guardian dẫn thông tin từ các nghiên cứu khoa học phát hiện ra rằng việc sử dụng ngày càng nhiều đi-ốt phát quang (LED) và các dạng chiếu sáng khác hiện đang làm sáng bầu trời đêm với tốc độ chóng mặt. Việc sử dụng bừa bãi ánh sáng bên ngoài, chiếu sáng đường phố, quảng cáo và các địa điểm thể thao được chiếu sáng hiện đang làm mờ tầm nhìn của chúng ta, hay còn gọi là "ô nhiễm ánh sáng" .
Vào năm 2016, các nhà thiên văn học đã nhận định rằng, 1/3 nhân loại đã không thể nhìn thấy Dải Ngân hà và tình trạng ô nhiễm ánh sáng đã trở nên tồi tệ hơn kể từ đó. Người ta ước tính rằng với tốc độ ô nhiễm ánh sáng hiện tại, hầu hết các chòm sao chính sẽ không thể giải mã được trong 20 năm nữa. Sự mất mát, về mặt văn hóa và khoa học, sẽ rất nghiêm trọng.
Martin Rees, nhà thiên văn học hoàng gia, cho biết: “Bầu trời đêm là một phần trong môi trường của chúng ta và sẽ là một thiếu sót lớn nếu thế hệ sau không bao giờ còn được nhìn thấy nó”.
Nghị sĩ Rees là người sáng lập nhóm Nghị sĩ vì Bầu trời. Nhóm này gần đây đã đưa ra một báo cáo kêu gọi một loạt các biện pháp nhằm khắc phục và tránh tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Theo đó yêu cầu thành lập các tổ chức và một ủy ban điều hành, đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về mật độ và hướng chiếu sáng.
Ủy ban nhấn mạnh rằng việc đưa ra một gói các quy tắc lập kế hoạch được lựa chọn cẩn thận để kiểm soát những loại hình ánh sáng gây khó chịu. Các quy tắc này có thể tạo ra những khác biệt lớn vì được hỗ trợ bởi quyền lực pháp lý và các hình phạt nếu không tuân thủ.
Nghiên cứu của nhà vật lý Christopher Kyba, thuộc Trung tâm Khoa học Địa chất Đức đã tiết lộ rằng ô nhiễm ánh sáng hiện đang khiến bầu trời đêm sáng lên với tốc độ khoảng 10% một năm, mức tăng có nguy cơ xóa sổ tầm nhìn của tất cả trừ những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Một đứa trẻ sinh ra ở nơi có thể nhìn thấy 250 ngôi sao vào ban đêm ngày nay sẽ chỉ có thể nhìn thấy khoảng 100 ngôi sao khi chúng 18 tuổi.
Thực tế, chỉ cần một số thay đổi khiêm tốn trong việc sử dụng ánh sáng có thể tạo ra cải thiện đáng kể. Ví dụ như đảm bảo đèn chiếu sáng ngoài trời được che chắn cẩn thận, hướng xuống dưới, đặt giới hạn độ sáng và không có màu chủ đạo là trắng xanh mà, thay vào đó là màu đỏ và cam.
Vấn đề là ô nhiễm ánh sáng vẫn chưa được công chúng coi là một mối đe dọa. Như Giáo sư Oscar Corcho, thuộc Đại học Politécnica de Madrid, cho biết: “Hậu quả tiêu cực của ô nhiễm ánh sáng không được người dân biết đến như hậu quả của việc hút thuốc trong những năm 80.”
Ngoài tác động thiên văn và văn hóa, ô nhiễm ánh sáng còn gây ra những hậu quả sinh thái nghiêm trọng. Rùa biển và các loài chim di cư được dẫn đường bởi ánh trăng. Ô nhiễm ánh sáng khiến chúng bối rối và lạc đường. Côn trùng, nguồn thức ăn chính của chim và các động vật khác, bị thu hút bởi ánh sáng nhân tạo và bị sát hại ngay lập tức khi tiếp xúc với nguồn ánh sáng nhân tạo.
Giáo sư Robert Fosbury, Viện Nhãn khoa tại Đại học College London (UCL) giải thích, phát xạ hơi xanh của đèn LED gần như hoàn toàn không có bất kỳ ánh sáng đỏ hoặc hồng ngoại. Ông nói: “Chúng ta đang trở nên thiếu ánh sáng đỏ và hồng ngoại và điều đó có những tác động nghiêm trọng.
“Khi ánh sáng đỏ chiếu vào cơ thể sẽ kích thích các cơ chế bao gồm phá vỡ lượng đường cao trong máu hoặc tăng cường sản xuất melatonin. Kể từ khi ánh sáng huỳnh quang và đèn LED sau này ra đời, phần quang phổ đó đã bị loại bỏ khỏi ánh sáng nhân tạo và tôi nghĩ nó góp phần vào làn sóng béo phì và gia tăng các ca bệnh tiểu đường mà chúng ta thấy ngày nay.”
Các nhà nghiên cứu của UCL đang chuẩn bị lắp đặt thêm đèn hồng ngoại trong bệnh viện và các đơn vị chăm sóc đặc biệt để nghiên cứu liệu chúng có ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân.