Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Ký ức kinh hoàng của những nạn nhân sống sót

Nguyễn Phương (Theo Timesofisrael)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những nạn nhân sống sót, ký ức về vụ khủng bố ngày 11/9 cách đây 20 năm đã thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi và để lại những ký ức khó có thể xoá nhoà.

Đúng ngày này 20 năm trước, thế giới đã bàng hoàng chứng kiến cuộc tấn công khủng bố tại thành phố New York cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người và khiến hàng ngàn người khác bị thương. Với những người may mắn sống sót, cuộc sống của họ giờ đã chia ra thành hai thời điểm khác nhau, trước và sau sự kiện.
 Tòa tháp đôi tại New York bốc cháy ngùn ngụt sau khi bị máy bay đâm vào. Ảnh:  AP
Ngày hôm nay, nhiều người trong số họ đã kể lại hành trình để vượt qua nỗi đau từ thảm kịch 11/9, một cơn ác mộng mà tưởng như không bao giờ kết thúc.
Không bao giờ bỏ cuộc
Chia sẻ với truyền thông, cựu sĩ quan cảnh sát New York Will Jimeno, người được cứu sống từ đống đổ nát tại Trung tâm Thương mại thế giới WTC sau vụ khủng bố 11/9, cho biết, sự sống quay trở lại với anh như một may mắn "không tưởng".
 Cựu sĩ quan cảnh sát Will Jimeno, người được giải cứu khỏi đống đổ nát của vụ tấn công 11/9, đang giới thiệu cuốn sách dành cho trẻ em khi trả lời phỏng vấn tại nhà hôm 2/8/2021. Ảnh: AP
Do bị chấn thương nặng chân trái sau vụ tấn công khủng bố tại WTC, anh đã phải chia tay công việc cảnh sát mà mình yêu thích. Jimeno bị mắc chứng rối loạn cảm xúc do chấn thương tâm lý. Hiện anh vẫn lưu giữ những kỷ vật lưu niệm, bao gồm một cây thánh giá và mô hình WTC thu nhỏ làm bằng thép. “Đối với tôi cũng như những người còn sống tại tòa WTC ngày 11/9/2001, bài học quan trọng nhất chính là không bao giờ được bỏ cuộc” - Jimeno nói.
Nhóm khủng bố đã cướp bốn chuyến bay từ ba sân bay khác nhau, trong khoảng thời gian 45 phút vào giờ cao điểm của ngày định mệnh 11/9/2001. Tất cả hành khách trên máy bay đã thiệt mạng cùng 3.000 nạn nhân khác tử vong trong các cuộc tấn công. Tuy nhiên, ước tính có khoảng hơn 33.000 người đã kịp sơ tán thành công trong vụ khủng bố này.
Những người sống sót ngày 11 tháng 9 mang những vết sẹo thương tật và sức nặng của những câu hỏi không thể trả lời. Một số dường như không thể thoát khỏi ám ảnh khi chứng kiến sự mất mát quá lớn, nhưng đa phần cho rằng điều họ nhận lại được là sự kiên cường, lòng quyết tâm và thái độ trân trọng cuộc sống.
“Như một sự tái sinh”
Năm 1989, Bruce Stephan từng may mắn sống sót khi vừa kịp đi qua cầu ở Vịnh San Francisco-Oakland đúng thời điểm xảy ra trận động đất ở Loma Prieta.
12 năm sau, ngày 11/9/2001, kỹ sư và luật sư Bruce Stephan đang chuẩn bị bắt đầu ngày làm việc tại tầng 65 của tòa tháp phía bắc của WTC thì một trong những chiếc máy bay khủng bố lao vào tầng 30 của tòa nhà.
Chỉ sau khi thoát nạn bằng cách chạy cật lực qua cầu thang bộ suốt một giờ đồng hồ, Stephan mới nhận được thông tin rằng một chiếc máy bay khác đã đâm vào tòa tháp phía nam của tòa WTC - nơi vợ anh, Joan, cũng là một luật sư, làm việc ở tầng 91. Không thể liên lạc điện thoại được cho vợ, Bruce Stephan lao đến một trạm điện thoại công cộng để liên lạc cho người thân.
Sau đó, tòa tháp phía nam sụp đổ, và nỗi sợ hãi của Stephan vẫn chưa kết thúc vì lo sợ rằng vợ anh liệu có bị mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà WTC hay không? Sau đó nhiều giờ, anh cũng nhận được tin báo cô ấy vẫn ổn. “Trải nghiệm của tôi từ thảm họa đầu tiên cho đến vụ tấn công, đó là khoảnh khắc hạnh phúc lạ thường khi bạn biết rằng mình vẫn còn sống. Điều này tương tự như bạn được tái sinh… khi biết rằng bạn vẫn còn sống và bạn vẫn có một cơ hội sống, và đây là lúc để bạn làm điều gì đó thật có ích” - anh Bruce Stephan chia sẻ.
Sống sót mới là chặng đầu tiên của hành trình dài
Nằm thở oxy trên giường bệnh, Wendy Lanski, một nạn nhân sống sót sau vụ khủng bố 11/9 tự an ủi: "Nếu Osama bin Laden không giết tôi, tôi sẽ không thể chết vì dịch Covid-19".
Gần hai thập kỷ trước đó, Wendy Lanski - cán bộ quản lý bảo hiểm y tế, đã may mắn an toàn khi chạy bộ từ tầng 29 của tòa tháp phía bắc vào thời điểm khủng bố đâm máy bay  vào tòa nhà. Trong khi đó, 11 đồng nghiệp của Wendy Lanski tại Empire Blue Cross Blue Shield lại không có được may mắn như vậy.
Hình ảnh tòa tháp đôi tại New York bốc cháy ngùn ngụt sau khi bị máy bay đâm vào hôm 11/9/2001.  Ảnh: AP
"Điều chắc chắn duy nhất khi sống sót sau một thảm kịch hoặc một thảm họa, đó là nó sẽ khiến bạn kiên cường hơn", Lanski, người đã phải nhập viện do nhiễm Covid-19, cũng như chồng cô – cho biết.
Tuy nhiên, Lanski, 51 tuổi, sống tại West Orange, New Jersey, nói rằng "việc sống sót sau vụ khủng bố 11/9 mới chỉ là chặng đầu tiên của cuộc hành trình dài" Cô đã xăm hình ảnh tòa WTC, chữ số "11/9/01" và "người sống sót" trên mắt cá chân để lưu giữ ký ức buồn sau thảm kịch 11/9.
Sau vụ khủng bố này, cô bị ám ảnh bởi những hình ảnh và âm thanh của những người tìm sự sống trong vô vọng bằng việc nhảy từ các tầng của tòa WTC. Vào năm 2006, cô còn được chẩn đoán mắc bệnh u hạt, một loại bệnh viêm nhiễm có thể liên quan đến việc hít khói bụi khi tòa WTC sụp đổ. Cô vẫn luôn đặt câu hỏi: "Tại sao tôi vẫn còn sống sót, còn 3.000 người khác thì không?" Thời gian qua đi, cô biết sẽ không bao giờ có câu trả lời."Khi tôi may mắn còn sống, nghĩa là tôi phải làm cho cuộc sống của mình thật giá trị", Lanski nói, người đã đi phát biểu tại các trường học và tham dự các hội nghị về nạn nhân của khủng bố, cho biết. "Tôi phải bù đắp cho 3.000 người đã thiệt mạng."/.