Công ty dự báo và phân tích định lượng toàn cầu Oxford Economics hôm 25/6 công bố báo cáo cho thấy, máy móc dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 20 triệu việc làm sản xuất trên toàn thế giới trong thập kỷ tới. Điều đó có nghĩa là khoảng 8,5% lực lượng lao động sản xuất toàn cầu có thể bị thay thế bởi robot vào năm 2030.
Báo cáo cũng lưu ý rằng, việc chuyển sang robot có xu hướng tạo ra việc làm mới nhanh như sự tự động hóa của chúng. Việc sử dụng robot đang gia tăng khi ngay tại thời điểm này, mỗi robot mới được lắp đặt thay thế trung bình 1,6 công nhân sản xuất - thể theo tính toán của Oxford Economics.
Tất nhiên, tự động hóa không phải là một xu hướng mới trong sản xuất, khi ngành công nghiệp ô tô đã sử dụng 43% số robot trên thế giới kể từ năm 2016. Tuy nhiên, chi phí cho robot đang trở nên rẻ hơn so với nhân công của con người, một phần là do giá thành máy móc giảm. Đơn giá trung bình cho mỗi robot đã giảm 11% trong giai đoạn 2011 - 2016.
Thêm vào đó, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng có khả năng hoạt động trong các quy trình phức tạp và bối cảnh đa dạng hơn, trong khi nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất cũng tăng lên.
Ảnh hưởng của xu hướng tự đống hóa nahnh, mạnh này đến sản lượng kinh tế là rất lớn. Oxford Economics ước tính, việc tăng cường sử dụng robot đến 30% sẽ dẫn đến sự tăng 5,3% GDP toàn cầu, tương đương 4,9 nghìn tỷ USD, so với các dự báo hiện tại đối với năm 2030.
Robot sẽ thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế, cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp thậm chí chưa tồn tại, nhưng Oxford Economics cũng cảnh báo rằng cuộc cách mạng robot có thể dẫn đến bất bình đẳng thu nhập trầm trọng.
"Sự dịch chuyển lớn này sẽ không được phân phối đồng đều trên toàn thế giới hay chính trong mỗi quốc gia". Điều này được lý giải một phần là bởi những công nhân có kiến thức và tư duy đổi mới trong sản xuất có xu hướng tập trung ở các TP lớn hơn ahy quốc gai phát triển hơn, khiến những kỹ năng đó khó để tự động hóa hơn. Đó cũng là lý do tại sao các khu vực đô thị sẽ đối phó tốt hơn với sự tự động hóa gia tăng.
Nhìn chung, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng có thể sẽ tạo ra việc làm mới với tốc độ tương đương với số công việc sẽ bị mất, tuy nhiên các khu vực nghèo hơn - dự kiến sẽ mất nhiều việc làm nhất có thể - sẽ không được hưởng lợi như nhau từ việc tạo công việc mới này do khoảng cách về kỹ năng. Điều đó sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng giữa các TP và khu vực nông thôn, cũng như giữa các khu vực trên thế giới.