KTĐT - Dave Carbon, phụ trách nghiên cứu tiền tệ và kinh tế của ngân hàng hàng đầu Singapore DBS cho rằng, năm 2010 sẽ năm cột mốc cho tăng trưởng kinh tế châu Á, đánh dấu sự thay đổi cơ cấu lớn nhất của kinh tế toàn cầu ngày nay.
Chuyên gia trên cho rằng, trong năm 2010, châu Á sẽ lần đầu tiên tạo ra nhiều mức cầu hơn Mỹ và trở thành động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong suốt thập kỷ qua, nhiều nhà phân tích đã dự báo về sự trỗi dậy của châu Á bởi quá trình sa sút của Mỹ và châu Âu. Giờ thì ngày đó đang đến. Carbon nhận xét: “Quá trình chuyển giao đã kéo dài ít nhất 2 thập kỷ qua và cuối cùng thì nó sẽ chính thức được thực hiện. Vai trò lãnh đạo của châu Á sẽ tồn tại ít nhất là trong 50 năm tới hoặc lâu hơn thế”.
Không kể Nhật Bản, mức cầu đã tăng nhanh ở châu Á trong 20 năm qua, đáng kể là đạt mức bình quân khoảng 7% đối với 10 nền kinh tế hàng đầu khu vực là Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và các thành viên ASEAN. Tính đến lúc này, quy mô tổng cộng của các nền kinh tế trên vẫn còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, quá trình tích lũy của 2 thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng đã giúp châu Á giờ có quy mô bằng khoảng 44% kinh tế Mỹ.
Chuyên gia này giải thích bằng một phép toán đơn giản: “Giả sử nhu cầu của Mỹ là 1 USD về quy mô và mức tăng là 3%mỗi năm, như vậy mỗi năm tạo ra 3 cent nhu cầu mới. Trong khi đó, châu Á có nhu cầu khoảng 44 cent nhưng với mức tăng 7% mỗi năm sẽ tạo ra 3,08 cent nhu cầu mới. Nhu vậy, nếu Mỹ tạo ra được 1 USD nhu cầu mới thì châu Á là 1,02 USD”.
Trở lại năm 1990, kinh tế Mỹ có nhu cầu gấp đôi châu Á. Nhưng kể từ đó đến nay, khi châu Á tăng trưởng, khu vực này trở nên ngày càng bớt phụ thuộc vào tiêu dùng Mỹ. Đó là lí do chính tại sao châu Á hồi phục sớm hơn Mỹ trong giai đoạn 2000-2001 và tại sao châu Á có thể thực hiện màn hồi phục chữ V ngoạn mục vừa qua mà không cần sự giúp sức nào từ Mỹ.
Tuy nhiên, Carbon cũng cảnh báo rằng sự hồi phục ấn tượng của châu Á không thể duy trì vô hạn định. Chuyên gia này ước tính cuối năm nay, mức tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ chậm dần khi nhu cầu khựng lại, mức cung bị ảnh hưởng bởi tình trạng thừa công suất bắt đầu thể hiện hậu quả và các ngân hàng trung ương trong khu vực nhiều khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Một điều quan trọng mà Carbon chỉ ra là châu Á giờ không chỉ nổi lên về nhu cầu mà Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của khu vực. Xét về doanh thu, xuất khẩu của 10 nền kinh tế hàng đầu châu Á kể trên (loại trừ Trung Quốc và Ấn Độ) sang Trung Quốc giảm 111 tỷ USD kể từ tháng 7/2008 đến 1/2009, trong khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ giảm 27 tỷ USD. Rõ ràng không phải mức cầu giảm ở Mỹ khiến châu Á lao đao ở giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng mà cú sốc từ Trung Quốc còn lớn hơn 4 lần so với Mỹ. Và khi mức cầu của Trung Quốc hồi phục nhờ bài thuốc tín dụng “liều cao”, các nền kinh tế khác ở châu Á cũng hồi phục mạnh mẽ./.