Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

21/6/2024 là ngày dài nhất, đêm ngắn nhất năm tại Hà Nội, Bắc Bộ, Trung Bộ

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia khí tượng thủy văn và nhà khoa học cho biết, nguyên nhân khiến Hà Nội, Bắc Bộ và Trung Bộ có đợt nắng nóng gay gắt kéo dài (có nơi 40 độ C) là do đang bước vào tiết "hạ chí". Tình trạng này phù hợp quy luật tự nhiên.

Trung Bộ như “chảo lửa khổng lồ” vì nắng nóng. Nhiệt độ đo ở lều khí tượng tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) dao động 39-40 độ C, nhưng nhiệt độ thực tế ngoài trời lên tới 43-44 độ C, mức độ bức xạ mặt trời rất lớn.

Đợt nắng nóng này sẽ kéo dài tới ngày 22/6, riêng ở khu vực Bắc Trung bộ vẫn kéo dài nhiều ngày.

Vì sao ngày 21/6 là ngày dài nhất trong năm 2024?
Vì sao ngày 21/6 là ngày dài nhất trong năm 2024?

Hạ chí mang lại ngày dài nhất ở Bắc bán cầu, trong đó có Việt Nam. Năm nay điểm hạ chí rơi vào ngày 21/6, nhưng những bình minh sớm nhất lại đến trước thời điểm này, vì sao vậy? Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, Hạ chí không phải một ngày mà là một thời điểm.  

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), hạ chí năm nay diễn ra ngày 21/6, lúc 3 giờ 46 (giờ Việt Nam). Cực Bắc của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt Trời. Lúc này, Mặt Trời đạt tới vị trí tối đa về phía Bắc của bầu trời. Mặt Trời sẽ chiếu sáng thẳng lên đường chí tuyến Bắc tại 23,44 vĩ độ Bắc.

Đây sẽ là ngày đầu tiên của mùa Hè ở Bắc bán cầu và là ngày đầu tiên của mùa Đông ở Nam bán cầu. Đây cũng là ngày có thời gian ban ngày dài nhất và đêm ngắn nhất trong năm.

Hạ chí không phải một ngày, mà là một thời điểm cụ thể. Việc hàng năm người ta gọi ngày nào đó là Hạ chí chẳng qua vì thời điểm Hạ chí rơi vào ngày đó trong năm. Trong khi đó, các địa điểm khác nhau trên thế giới lại có sự chênh lệch về múi giờ, trong khi một nơi này đang là tối hôm trước thì ở một nơi khác đã có thể là sáng hoặc trưa của hôm sau.

Thời điểm Hạ chí là duy nhất, nó tương ứng với các giờ khác nhau ở mỗi địa điểm và do đó tương ứng với ngày cũng khác nhau. Tuy nhiên, ở những địa điểm lệch về phía Đông nhiều hơn thì sự lệch múi giờ sẽ dẫn tới lệch về ngày.

Lý do chính khiến Mặt trời mọc sớm hơn trước ngày Hạ chí là do độ nghiêng của trục quay Trái đất. Điều này khiến cho bình minh sớm nhất luôn diễn ra trước ngày Hạ chí ngay cả khi quỹ đạo của Trái đất quanh Mặt trời là một đường tròn hoàn hảo.

Tuy nhiên, quỹ đạo elip của Trái Đất cũng ảnh hưởng lớn đến thời điểm xảy ra hiện tượng này. Vào ngày Hạ chí, Trái Đất tương đối gần điểm viễn nhật – điểm xa Mặt Trời nhất trên quỹ đạo – điều này làm giảm hiệu ứng hơn so với khi Trái đất ở gần điểm cận nhật vào cuối năm

Để dễ thấy, ở các vĩ độ trung bình, bình minh sớm nhất ở Bắc Bán Cầu diễn ra khoảng một tuần trước ngày Hạ chí và hoàng hôn muộn nhất xảy ra khoảng sau Hạ chí một tuần. Đến cuối năm, hoàng hôn sớm nhất đến trước hai tuần so với ngày đông chí, trong khi bình minh muộn nhất xảy ra khoảng hai tuần sau ngày đông chí.

Ngày chí diễn ra hai lần trong năm, một vào mùa hè được gọi là ngày Hạ chí - tháng 6, và một vào mùa đông được gọi là ngày Đông chí - tháng 12. Ngày Hạ chí thì Mặt trời nằm cao nhất về hướng Bắc, ngày Đông chí thì Mặt trời nằm cao nhất về hướng Nam.

Hạ chí không rơi vào cùng thời điểm ở các năm khác nhau. Vì bản thân chu kỳ của Trái đất quanh Mặt trời không tròn ngày - cụ thể là không phải đúng 365 mà là ~365,2422 ngày (do đó mới cần có những năm nhuận 366 ngày để bù vào phần thừa đó), đồng thời bản thân trục Trái đất vẫn có dao động theo thời gian, nên Hạ chí (cũng như Đông chí, Xuân phân và Thu phân) không phải một thời điểm cố định ở mọi năm mà có dao động. Vì vậy ở cùng một địa điểm, Hạ chí có thể rơi vào 21 hoặc 22 tháng 6 tùy theo mỗi năm chứ không phải luôn là cùng ngày.

Khi Hạ chí bắt đầu, bán cầu Bắc nghiêng hẳn về phía Mặt trời 23,5 độ nên lượng ánh sáng ở đây nhận được sẽ rất nhiều, dẫn đến việc thời gian ban ngày trong tiết khí này sẽ lớn nhất trong năm, ngày dài hơn đêm, trời lâu tối và nhanh sáng. Thậm chí thời gian ban ngày có thể dài đến mức một số thành phố ở Bắc Âu có hiện tượng "đêm trắng", tức là không hề xuất hiện ban đêm.

Trang EarthSky cho biết ngày chính xác của những lần mặt trời mọc sớm nhất thay đổi theo vĩ độ. Ví dụ, đối với Bắc bán cầu, trong đó có Việt Nam, thời điểm mặt trời mọc sớm nhất có thể đến sớm nhất là vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.

Đối với phần lớn nước Mỹ, mặt trời mọc sớm nhất xảy ra trong khoảng một tuần trước ngày hạ chí. Trong khi đó, ở Nam bán cầu, hoàng hôn sớm nhất xuất hiện khoảng một tuần trước ngày hạ chí.

EarthSky lý giải bình minh sớm nhất xuất hiện trước ngày hạ chí vì ngày dài hơn 24 giờ vào thời điểm này trong năm. Tương tự như vậy, ở Nam bán cầu, cảnh hoàng hôn sớm nhất trong năm diễn ra trước ngày đông chí cũng vì lý do tương tự.