Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

263 phụ nữ, trẻ em nghi là nạn nhân của tội phạm buôn người

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Đó là con số được được đề cập đến trong Công văn số 213/UBND-NC ngày 9/1/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai trên địa bàn.
Nhiều phụ nữ, trẻ em vùng cao Nghệ An có nguy cơ thành nạn nhân của những kẻ mua, bán người. Ảnh Hồ Văn.
UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm 2018 lực lượng chức năng toàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, bị nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, gần đây đã phát hiện thủ đoạn phạm tội mới, các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ đang có thai sắp sinh (mang thai 6 - 8 tháng) ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán con lại cho người Trung Quốc (còn gọi là mua bán bào thai).
Đến tháng 11/2018, huyện Kỳ Sơn có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc đẻ; trong số đó lực lượng Công an đã xác minh làm rõ 6 trường hợp sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc (mỗi trường hợp từ 80 đến 140 triệu đồng); các trường hợp còn lại do thường xuyên vắng mặt tại địa phương nên chưa thể xác minh, làm rõ được.
Để tăng cường các giải pháp phòng chống mua bán người, nhất là tình trạng mua bán bào thai, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan, UBND các huyện, thành, thị Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp có hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu địa phương và huy động sức mạnh tổng hợp của các hệ thống chính trị trong việc tham gia phòng chống mua bán người, mua bán trẻ em, mua bán bào thai.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ bến pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người, mua bán bào thai phù hợp với điều kiện địa bàn, nhận thức của từng đối tượng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị dụ dỗ, lôi kéo bán thai nhi.