Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 huyện của Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn mới

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân ngoại thành Hà Nội không ngừng được nâng cao. Đến nay, 3/18 huyện, thị xã của TP đã không còn hộ nghèo theo chuẩn mới.

Với sự quan tâm, đầu tư nguồn lực rất lớn của Hà Nội, đến nay, toàn TP đã có 16/18 huyện, thị xã về đích và đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hà Nội phấn đấu trong năm 2022, sẽ đưa 2 huyện còn lại là Mỹ Đức và Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, việc phát triển sinh kế, nâng cao đời sống nông dân cũng được TP đặc biệt quan tâm. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực ngoại thành đã đạt khoảng 54,1 triệu đồng/năm. Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 75 triệu đồng, Đan Phượng 66 triệu đồng, Gia Lâm 65 triệu đồng, Hoài Đức 64 triệu đồng… 

Huyện Đan Phượng là một trong ba địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Huyện Đan Phượng là một trong ba địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Đa số các hộ gia đình ở nông thôn hiện nay đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ; 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn TP đạt 91,5%. 98% các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng… 

 

Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt khoảng 65 triệu đồng/năm. Cuối năm nay, 18 huyện, thị xã của TP sẽ giảm được ít nhất 717 hộ nghèo.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tổng số hộ nghèo khu vực nông thôn hiện còn 3.580 hộ, chiếm tỷ lệ 0,29%. Đáng chú ý, có 3 huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn mới gồm: Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức.

Một trong những nguyên nhân chính góp phần giảm nghèo khu vực nông thôn là công tác giải quyết việc làm cho người lao động được các sở ngành, địa phương của Hà Nội thực hiện tương đối hiệu quả. Tính đến tháng 3/2022, toàn TP đã giải quyết việc làm cho 23.103 lao động.

Trong giai đoạn tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo Đề án của Chính phủ. Trong đó, chú trọng dạy nghề cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nữ và các đối tượng chính sách…

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo người dân được tiếp cận những dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của Trung ương và Hà Nội về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.