3 năm, mới có… 3 hộ dân tham gia!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, khu giết mổ tập trung xa khu dân cư theo quy trình sạch tại thôn Đỗ Xá, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm đã góp phần giải quyết bài toán về vệ sinh môi trường và cung cấp tới người tiêu dùng các sản phẩm sạch và an toàn.

Tuy nhiên, để mô hình kinh tế này phát triển bền vững, vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ Nhà nước và các ngành chức năng. Yên Thường là xã nông nghiệp có diện tích rộng nhất huyện Gia Lâm với số dân trên 17.000 người. Với lợi thế của vùng giáp gianh giữa 3 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Từ Sơn (Bắc Ninh) nên từ lâu, chợ đầu mối Yên Thường trở thành nơi cung cấp thực phẩm cho hầu hết các thị trường phía Bắc.

Những năm trước đây, việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm chưa được thực hiện chặt chẽ nên người dân địa phương chưa có ý thức về các vấn đề vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, chất thải đổ ra hệ thống cống rãnh, ao làng gây ô nhiễm môi trường sống nông thôn, gây bức xúc trong nhân dân.

Cuối năm 2009, xã Yên Thường đã lập dự án xây dựng Khu giết mổ tập trung theo quy trình sạch xa khu dân cư tại thôn Đỗ Xá và được huyện Gia Lâm phê duyệt.
 
3 năm, mới có… 3 hộ dân tham gia! - Ảnh 1
 
Giết mổ gia cầm theo quy trình an toàn tại khu giết mổ tập trung ở thôn Đỗ Xá,  xã Yên Thường, huyện Gia Lâm.    Ảnh: Liễu Phùng

Với số vốn đầu tư ban đầu trên 6 tỷ đồng, tháng 6/2010, khu giết mổ tập trung đã chính thức đi vào hoạt động. Theo ông Nguyễn Đình Dậu, Chủ tịch UBND xã Yên Thường: Khu giết mổ này đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 80 lao động nông thôn. Bên cạnh đó, làm giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường và cung cấp sản phẩm gia cầm an toàn cho người tiêu dùng...

Nhưng trên thực tế, khu giết mổ này vẫn chưa phát huy được tác dụng như mong muốn vì hiện tại, toàn xã mới có 3 hộ dân thực hiện giết mổ gia cầm tại khu tập trung với số lượng từ 2.500 - 3.000 con/ngày và chỉ đạt trên dưới 20% lượng gia cầm giết mổ hàng ngày tại địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen làm ăn tùy tiện của người nông dân.

Mặt khác, người kinh doanh không muốn phải nộp thuế và các chi phí của quy trình giết mổ sạch. Trong khi đó, việc quản lý giết mổ hiện nay của các địa phương trên địa bàn huyện Gia Lâm nói chung và tại xã Yên Thường nói riêng còn lỏng lẻo; công tác kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm còn thiếu tính chặt chẽ nên chỉ tính riêng địa bàn xã Yên Thường hiện nay cũng còn vài chục hộ thực hiện giết mổ bằng tay tại nhà riêng với số lượng từ vài trăm đến hàng ngàn con gia cầm mỗi ngày mà không bị kiểm tra, kiểm soát và thu thuế.

 Để đảm bảo cho các mô hình kinh tế mang tính xã hội cao trụ vững, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp cũng mong muốn được Nhà nước quan tâm cho thuê đất thời gian từ 20 - 50 năm.

Đồng thời cho vay nguồn vốn lớn có lãi suất ưu đãi để hoàn thiện và mở rộng quy mô giết mổ tập trung theo quy trình sạch. Đối với những trường hợp vi phạm, cần xử lý nghiêm khắc và triệt để nhằm đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh và đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của xã hội.