70 năm giải phóng Thủ đô

3 ngành nghề cần nhiều lao động những tháng cuối năm 2023

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Quý 4/2023, dự báo có 3 ngành nghề cần nhiều lao động để làm việc là Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Khai thác, xử lý và cung cấp nước; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất.

Bộ LĐTB&XH đã công bố Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý 3/2023. Theo đó, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi; thể hiện ở lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng: Cả nước có 51,3 triệu người có việc làm, tăng 87,4 nghìn người so với quý 2/2023. Tình trạng hàng trăm nghìn người lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các DN diễn ra từ cuối năm trước đã giảm nhiệt trong quý này.

Người lao động đang tìm hiểu thông tin việc làm tại Phiên giao dịch việc làm năm 2023 trên địa bàn Hà Nội. 
Người lao động đang tìm hiểu thông tin việc làm tại Phiên giao dịch việc làm năm 2023 trên địa bàn Hà Nội. 

Cơ cấu lao động tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Lao động tự sản tự tiêu trong nông nghiệp là 3,7 triệu người, giảm 220,4 nghìn người so với quý trước. Tuy nhiên, lao động có việc làm phi chính thức chiếm 65%, mặc dù đã giảm 43,9 nghìn người.

Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý 3/2023 cho thấy thu nhập của người lao động làm công hưởng lương là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 146.000 đồng so với quý 2/2023. Trong đó, thu nhập của lao động nam là 8,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng/tháng.

Số lao động thất nghiệp là 1,079 triệu người, tăng 6,3 nghìn người so với quý 2/2023. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi chiếm 2,30%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niênvẫn chiếm tỷ lệ cao, lên tới 7,86%. Điều này đồng nghĩa với 940,9 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm.

Trong quý 3 của năm 2023 có sự biến động việc làm theo ngành so với quý trước. Những ngành tăng lao động là Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô; Xe máy và xe có động cơ khác; Vận tải, kho bãi; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Hoạt động làm thuê và các công việc trong gia đình; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí.

Ngược lại những ngành giảm nhiều lao động được kể đến là: Xây dựng; Giáo dục và đào tạo; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Bộ LĐTB&XH cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động của DN trong các tháng đầu năm vẫn cao hơn số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số DN thành lập mới cao hơn so với số DN rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Về triển vọng thị trường lao động quý 4/2023, Bộ LĐTB&XH cho biết, số người có việc làm sẽ tăng hơn. Dự báo, cả nước sẽ có 51,3 triệu người lao động có việc làm. Một số ngành sẽ tăng người làm việc, đồng nghĩa với các DN sẽ cần tuyển dụng nhiều lao động, gồm có: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước, tăng 2,4%; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, tăng 2,2%.

Trong khi đó, 3 ngành sẽ giảm số lao động làm việc, là: Sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác.