KTĐT - Ngày 16/2, tại kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Liên hợp quốc về Phát triển xã hội, Liên hợp quốc đã khẳng định ba nhân tố căn bản đảm bảo thành công của chiến lược xóa đói nghèo và bất bình đẳng ở các nước.
Ba yếu tố đó gồm các mô hình thay đổi cơ cấu tăng trưởng nhằm tạo việc làm và cải thiện thu nhập của người dân; các chính sách xã hội toàn diện dựa trên các quyền phổ quát của con người; và sự năng động tích cực của công dân và những dàn xếp chính trị buộc Nhà nước có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của công dân.
Báo cáo "Chống đói nghèo và bất bình đẳng" của Liên hợp quốc nhấn mạnh chính sách xã hội chỉ có thể đặt một quốc gia trên nền tảng vững chắc tiến tới phát triển bền vững và bình đẳng nếu hòa nhập với các mục tiêu chính trị và kinh tế vĩ mô rộng rãi.
Năm nay sẽ mở ra các cơ hội định hình hai vấn đề trọng tâm của chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc trong thập niên này là hiện trạng đặc thù của các nước chậm phát triển nhất và phát triển bền vững; đánh dấu cơ hội quan trọng để tăng cường cam kết chính trị đối với phát triển bền vững toàn cầu.
Các phản ứng thiển cận và dựa trên cơ sở khu vực sẽ không thể giải quyết được các thách thức đa dạng mà tiến trình phát triển bền vững và bình đẳng đang phải đối mặt. Để vượt qua các thách thức này cần sự phối hợp hệ thống, sự phối hợp chính sách đáng tin cậy và nhu cầu khẩn cấp khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu.
Viện nghiên cứu của Liên hợp quốc về phát triển xã hội (UNRISD) nhấn mạnh công lý xã hội và bình đẳng xã hội không thể ở vị trí phụ thuộc, hoặc nhân tố phụ của các chính sách kinh tế và tăng trưởng mà cần phải đặt ở trung tâm của các quá trình phát triển.
Điều này cần đặc biệt nhấn mạnh trong thời kỳ khủng hoảng, khi các chính sách xã hội đóng vai trò then chốt làm giảm tác động của khủng hoảng và tăng cường năng lực của xã hội thúc đẩy sức bật phục hồi cho tương lai./.