3 tấn cà phê "bẩn" rang xay cùng bột đá và pin con ó được bán về tỉnh nào?

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cơ quan chức năng, 3 đối tượng trực tiếp ngâm tẩm, rang xay cà phê tạp chất cùng bột đá và pin con ó rất ngoan cố, khai báo không thành khẩn. Bước đầu xác định 3 tấn cà phê "bẩn" được bán cho 1 cơ sở thuộc tỉnh giáp ranh.

Cà phê được ngâm, tẩm, nhuộm đen bằng nước pin con ó.
Liên quan đến vụ phát hiện cơ sở chế biến cà phê kém chất lượng gây xôn xao dư luận xã hội thời gian qua tại huyện Đắk R’lấp, chiều 18/4, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo, cung cấp thông tin tới báo chí.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ ngày 15 - 17/4/2018, Phòng PC49 đã phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) làm chủ đang dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.
Cơ quan chức năng đã lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm, nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35kg pin bị đập dẹp, 192kg lõi, nắp và vỏ pin.

Cơ quan điều tra đã mời bà Loan, ông Nguyễn Xuân Bảo (có quan hệ như vợ chồng với bà Loan) và Ngô Hồng Sơn về trụ sở Công an tỉnh để làm việc. Ngô Hồng Sơn được xác định là công nhân của cơ sở, trực tiếp cùng bà Loan - ông Bảo thực hiện hành vi dùng các cục pin đập nhuyễn, hòa với nước để ngâm tẩm các loại vỏ cà phê, cà phê phế thải để đóng bao.

Tuy nhiên, cả 3 đối tượng này quanh co, ngoan cố chưa chịu khai nhận mục đích của việc nhuộm cà phê, tạp chất với than pin. Do đó, cơ quan công an đang khẩn trương huy động toàn bộ lực lượng một mặt đấu tranh các đối tượng, một mặt xác minh điều tra từ những người cung cấp phế phẩm, tài xế lái xe và người mua sản phẩm.

Đại tá Lê Vinh Quy - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông thông tin thêm, về mặt khách quan thì đã rõ, các đối tượng tạo ra một sản phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhưng động cơ, mục đích khi tạo ra các sản phẩm này (có phải là thực phẩm hay không) thì Công an tỉnh đang tích cực chỉ đạo điều tra.
Đây là căn cứ quan trọng nhất, nếu giải quyết được vấn đề này thì sẽ giải quyết được các vấn đề khác. “Nếu xác định đây là nguyên liệu, từ nguyên liệu này làm cà phê rang xay, rồi làm ra cà phê bột thì sẽ xử lý theo điều 317 BLHS năm 2015”, đại tá Quy nói.

Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng phối hợp với công an các địa phương mà bà Loan bán tạp chất. Bước đầu bà Loan khai nhận bán 3 tấn tạp chất như trên cho một người ở tỉnh Bình Phước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần