4 giải pháp trọng tâm Bộ Công Thương nhấn mạnh để tiết kiệm năng lượng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều giải pháp tiết kiệm được đưa ra để thực hiện nhằm góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện, duy trì ổn định an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Đó là nội dung chính tại Hội nghị Phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 diễn ra chiều 22/5, tại Hà Nội.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động. Ảnh: Khắc Kiên
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động. Ảnh: Khắc Kiên

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức cao; trong khi ở nước ta, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện.

Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do gió kém nên chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng nếu không có những giải pháp kịp thời, quyết liệt hơn.

Trong đó, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để tăng cường tiết kiệm điện, góp phần bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trong mùa khô cũng như cả năm 2023, Bộ Công Thương đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ những kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ những kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên

Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng...

Hai là, khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc biểu đồ sử dụng điện của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các hộ sử dụng điện lớn. Trong đó, chú trọng tới hoạt động điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tiết kiệm điện đã đề ra.

Ba là, có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ gia đình áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, chuyển đổi, thay thế các công nghệ sản xuất và các thiết bị điện, điện tử lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng sang các công nghệ, thiết bị mới, sử dụng ít điện, năng lượng.

Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, xây dựng cơ chế chính sách…; tranh thủ chuyển giao công nghệ, nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài cho các chương trình, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong nước.

Bốn là, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố, khu dân cư để hướng dẫn trực tiếp cho người dân về các giải pháp, cách thức tiết kiệm điện. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện.

Khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm

"Về lâu dài, cần chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho đơn vị sản phẩm của ngành/tiểu ngành và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế, chính sách có liên quan, bảo đảm đồng bộ, đủ mạnh và khả thi để thúc đẩy, khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Đặc biệt chú trọng đẩy nhanh tiến độ sửa đổi luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và xây dựng, triển khai các chương trình khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trong doanh nghiệp và hộ gia đình theo phương thức “tự sản, tự tiêu” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế.

Bộ Công Thương cũng kêu gọi và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ, chung tay chia sẻ khó khăn với ngành Điện, tăng cường thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô (từ nay đến ngày 30/6/2023).

Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm, đồng thời chú trọng lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng tại chỗ để giảm tiêu thụ điện từ lưới điện quốc gia; các hộ gia đình và người dân thường xuyên thực hành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả...

Hưởng ứng phát động của Bộ Công Thương về tiết kiệm điện, đại diện  UBND thành phố Hà Nội, EVN, Công ty Chiếu sáng đô thị Hà Nội và Công ty Xi Măng Long Sơn đã phát biểu hưởng ứng..

Từ thực tế, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nhằm đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị, đề xuất một số giải pháp.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN ưu tiên hơn nữa nguồn nhân vật lực, vốn đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện cho Thành phố; xây dựng các phương án và giải pháp đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho Thủ đô Hà Nội - trung tâm đầu não chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội của Đất nước.

Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc, hướng dẫn EVN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị được giao Chủ đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình điện mang tính chất liên kết, hỗ trợ cấp điện cho Thủ đô theo tiêu chí dự phòng ở mức cao nhất.

Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quy định mới hướng dẫn về giá điện mặt trời, qua đó giảm bớt áp lực lên hệ thống truyền tải và phân phối điện Quốc gia.

 

Thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2013 và Chỉ thị 20/CT-TTg, Bộ Công Thương đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu hằng năm, toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2,0% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia; Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; Giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần