Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4 ngành, lĩnh vực ở Hà Nội đang có xu hướng tuyển dụng nhiều lao động

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Có 4 ngành, lĩnh vực đang có xu hướng được các DN tuyển dụng lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, thị trường lao động đang gặp 4 thách thức ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động.

3.284 người lao động được giải quyết việc làm
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây giãn đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Mặc dù các DN đã có những sự chuẩn bị và tính toán để ứng phó với tình hình dịch bệnh song vẫn gặp nhiều khó khăn, đã phải tạm hoãn việc tuyển dụng mới hoặc tuyển rất ít.
Kết quả thu thập thông tin việc làm trống của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội trong tháng 8/2021 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động có xu hướng giảm ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhóm lao động giản đơn. Các DN chú trọng tuyển dụng ở nhóm vị trí nhân viên văn phòng, nhóm các lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong khi đó, nhu cầu tìm việc tập trung ở nhóm lao động có trình độ công nhân kỹ thuật không có chứng chỉ nghề chiếm tới 62,08%, ở những vị trí lao động giản đơn và thợ các loại chiếm 69,28%.
 Ngân hàng áp dụng công nghệ tối ưu dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Hoàng Anh.
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, TP Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ để giúp người lao động (NLĐ), DN, đẩy mạnh giải quyết việc làm nhằm từng bước phục hồi và phát triển kinh tế. Trong tháng 8/2021, TP Hà Nội giải quyết việc làm cho 3.284 NLĐ, 180 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay vốn với tổng số tiền 8,6 tỷ đồng. Có 2.422 lao động được cung ứng dịch vụ việc làm tại các DN và hình thức khác nhau.
 TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 3.284 người lao động trong tháng 8/2021. Ảnh: Leslie Do.

Nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo các Chỉ thị của TP, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới, Trung tâm DVVL Hà Nội triển khai các hoạt động chắp nối việc làm, tư vấn – giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo hình thức gián tiếp và trực tuyến. Kết quả cho thấy, trong tháng 8, có 484 lượt DN đăng ký đăng ký tham gia tuyển dụng với tổng số 7.634 chỉ tiêu; 1.763 lượt lao động được phỏng vấn kết nối việc làm qua các hình thức gián tiếp (điện thoại, email) và phỏng vấn trực tuyến; đã có 598 lao động được tuyển dụng.
Dự báo kịch bản thị trường việc làm Hà Nội
Theo Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Quang Thành, tuy rằng, trong tháng 8/2021 các DN giảm hoặc không có nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành nghề lĩnh vực không thiết yếu; nhưng một số ngành nghề, lĩnh vực khác như Công nghệ thông tin (CNTT), Ngân hàng... vẫn có xu hướng tăng nhẹ và nhân sự có nhiều cơ hội việc làm mới trong tháng 9 và 10/2021. Nhu cầu nhân lực ngành CNTT chưa bao giờ giảm nhiệt, bởi các DN cần nguồn lao động trình độ cao để tiếp tục duy trì, triển khai những nền tảng công nghệ tiên tiến. Lĩnh vực Công nghệ vẫn có xu hướng tuyển dụng lớn và thường xuyên ở một số vị trí như kỹ sư, lập trình viên, với mức lương từ 9 – 13 triệu đồng/tháng. Ngành Ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn cho các vị trí quan hệ khách hàng, CNTT phục vụ phát triển hệ thống và chuyển đổi số. Những DN thuộc ngành Dịch vụ vẫn tiếp tục tuyển dụng do nhu cầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu nhiều.
 Ngân hàng SHB triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh giao dịch online hỗ trợ khách hàng trước Covid-19. Ảnh: Hoàng Anh.
Trung tâm DVVL Hà Nội cũng chỉ ra 4 thách thức đối với thị trường lao động Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới: Giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu trong nước. Nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời. Việc lưu thông hàng hóa vẫn bị hạn chế do giãn cách xã hội, đặc biệt luồng thương mại quốc tế sẽ bị thu hẹp khi dịch bệnh tái bùng phát diện rộng trên toàn thế giới. Và, DN cần có thời gian để phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động.
Hanoisme và cộng đồng DN tặng thực phẩm và tiền cho người lao động ngoại tỉnh tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh.
Trung tâm DVVL Hà Nội dự báo 2 kịch bản dành cho thị trường lao động, việc làm Thủ đô trong thời gian tới. Trong đó, kịch bản 1 theo hướng khả quan, khi số ca F0 giảm dần, chủ yếu trong khu cách ly và phong tỏa, trung bình mỗi ngày ít hơn 10 ca; quá trình tiêm chủng vaccine trong tháng 9 đạt trên 95% người dân từ đủ 18 tuổi trở lên; nền kinh tế sẽ dần dần phục hồi với tốc độ chậm. Cộng với đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đạt mục tiêu đề ra; nới lỏng một số hoạt động kinh tế sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Trung tâm DVVL Hà Nội dự báo số DN rút lui khỏi thị trường giảm còn 700 - 900, số DN đăng ký mới tăng lên thành 1.800 – 2.000; tỷ lệ thất nghiệp ở mức trung bình 2 – 2,2%, tình trạng thiếu việc làm được cải thiện và số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 (giảm giờ làm, ngừng việc, giảm thu nhập) khoảng từ 1 – 1,2 triệu lao động; số lao động thất nghiệp khoảng từ 5.000 – 6.000 người.
Để đảm bảo mục tiêu kép “Vừa đảm bảo phòng, chống dịch, đồng thời phát triển kinh tế Thủ đô”, Trung tâm DVVL Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp, phương tiện, thiết bị, nhân sự để ứng phó với những tình huống dịch bệnh, hỗ trợ NLĐ và DN phục hồi và vượt qua dịch bệnh. Trung tâm tiếp tục xây dựng các phương án hỗ trợ NLĐ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của NLĐ và nhu cầu sử dụng lao động của DN; dự báo kịp thời về tình hình lao động để xây dựng phương án kết nối cung – cần phù hợp trong tình hình mới.