Có thiên hướng ngoại ngữ, chọn ngành gì?
Với học sinh thiên về ngoại ngữ, học tốt ngoại ngữ từ bé nên chọn ngành gì để dễ xin việc? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học (ĐH) Ngoại thương chia sẻ: Nếu học giỏi ngoại ngữ, có hai cách tiếp cận, đó là: Dùng ngoại ngữ như một công cụ để học các ngành, phát huy lợi thế ngoại ngữ hoặc đi thẳng vào ngành ngoại ngữ, chọn ngoại ngữ là ngành học.
Nếu đi thẳng vào ngành ngoại ngữ, ví dụ ngôn ngữ Anh, hiện ngành này không phải chỉ học tiếng Anh mà đi sâu vào ngành ngôn ngữ Anh và có rất nhiều cái hay. Các ngành ngoại ngữ hiện đều tiếp cận có tính chất liên ngành. Học ngôn ngữ nào, sinh viên cũng được đào tạo ứng dụng ngôn ngữ đó vào ngành học.
Nếu dùng ngoại ngữ như một lợi thế, hiện nhiều trường ĐH có chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ hoặc tỷ lệ các môn học trong ngành đó được dạy bằng ngoại ngữ rất cao. Như vậy, khi ra trường đi làm trong môi trường quốc tế, năng lực ngoại ngữ tốt sẽ giúp ứng viên có lợi thế vượt trội.
Còn TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay: Với các trường ĐH chuyên về ngoại ngữ trên toàn quốc, nếu nhìn kỹ chương trình sẽ thấy đằng sau đó không chỉ học ngôn ngữ mà từ năm thứ ba sẽ chia các nhánh chuyên ngành. Sinh viên sẽ được học kiến thức cơ bản của chuyên ngành như biên phiên dịch, du lịch, truyền thông, sư phạm… để lựa chọn. Trong đó có nhiều ngành hot, nhu cầu việc làm lớn với mức lương hấp dẫn.
4 nguyên tắc vàng trong chọn ngành
Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, dù lựa chọn ngành học nào, thí sinh và phụ huynh cũng nên tập trung xem xét 4 yếu tố chính.
Trước hết, về năng lực của thí sinh. Có nhiều công cụ để phân tích năng lực như trắc nghiệm quốc tế, tham vấn ý kiến thầy cô giáo, xin tư vấn chuyên gia, đọc sách báo… nhằm khám phá năng lực thực sự.
Thứ hai là tìm hiểu nhu cầu nhân lực của ngành. Ngành nào cũng có nhu cầu nhân lực nhưng sắp tới có dư thừa không, có thiếu hụt không; sự chuyển biến, cấu trúc nhân lực trong từng ngành như thế nào?
“Hiện nay, trên TikTok và một số mạng xã hội có nêu ra các ngành không nên học tại Việt Nam nhưng thí sinh đừng hoang mang vì ngành nào cũng có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, trong nội bộ từng ngành, từng giai đoạn sẽ có sự chuyển đổi cấu trúc nhân lực.
Có nhóm vị trí việc làm giảm nhu cầu, ngược lại có vị trí việc làm lại tăng và đòi hỏi năng lực, kiến thức mới hơn so với trước. Thí sinh cần biết điều đó để chọn ngành đúng xu hướng, dễ tìm việc trong tương lai” - PGS.TS Vũ Thị Hiền nhấn mạnh.
Thứ ba là sở thích, đam mê. Ngành nào cũng khó, không có ngành nào dễ. Để đi đến cùng và đạt được thành công với ngành thì cần đam mê, sự yêu thích của thí sinh.
Thứ tư là năng lực tài chính của gia đình: Nếu ngành học phí cao quá, thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc nhưng đừng để tài chính hạn chế đam mê.
Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, hiện có nhiều kênh tài chính từ Bộ GD&ĐT, các nhà trường cũng có nhiều chương trình học bổng và nguồn hỗ trợ tài chính để giúp thí sinh thực hiện ước mơ.
Mỗi năm có hơn 600.000 học sinh đứng trước ngưỡng cửa bước vào các trường CĐ, ĐH. Sau năm nhất, có rất nhiều sinh viên nhận ra ngành học và ngôi trường mình chọn chưa hẳn đã là ngành học mình thực sự phù hợp.
Tôi mong muốn các em học sinh sẽ xác định đúng năng lực, sở trường, sở thích, điều kiện thực tế của bản thân để lựa chọn cho mình ngành học và ngôi trường phù hợp nhất. Mong muốn các bậc phụ huynh hãy đồng hành cùng các em để củng cố niềm tin, giúp các em có được sự lựa chọn đúng đắn...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn