Học tập qua dự án (Project-Based Learning)
Đây là xu hướng học tập hiện đại, khá phổ biến, đã và đang được áp dụng tại nhiều trường học trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với phương pháp học tập qua dự án, sinh viên sẽ đóng vai trò trung tâm ở mọi hoạt động giáo dục, trong khi giảng viên chỉ đóng vai trò tham vấn và hỗ trợ. Phương pháp này giúp sinh viên phát triển toàn diện kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, nghiên cứu, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình…
Trong mô hình giáo dục trải nghiệm tại nhiều trường đại học, sinh viên được khuyến khích tham gia các dự án và hoạt động thực tế, giúp các em áp dụng được các kiến thức và kỹ năng đã học. Tại đó, sinh viên sẽ được hướng dẫn thiết kế, thực hiện và đánh giá kết quả của dự án. Những dự án này có thể là các dự án nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm, xã hội hóa, kinh doanh, y khoa hoặc khởi nghiệp.
Nguyễn Hải Anh, sinh viên Trường ĐH Phenikaa chia sẻ, với cách học này, giáo viên không chỉ là người hướng dẫn, mà còn là người đồng hành và trở thành một phần trong nhóm thực hiện dự án. Điều này giúp tăng cường sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên, giúp sinh viên học hỏi được những kinh nghiệm, kiến thức từ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Phương pháp học tập qua dự án cũng giúp sinh viên tăng cường tính chủ động, trách nhiệm trong quá trình học tập, từ đó giúp nâng cao khả năng tự học và tự phát triển bản thân.
Học tập cá nhân (Personalized Learning) - trao quyền tự chủ cho sinh viên
Thay vì áp đặt cùng một chương trình học tập cho tất cả sinh viên, học tập cá nhân cho phép sinh viên tùy chỉnh chương trình học để phù hợp với mục tiêu và sở thích cá nhân của mình.
Tại các trường đại học, học tập cá nhân đã được áp dụng thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau; một trong số đó là sử dụng dữ liệu để tùy chỉnh. Mặc dù tốc độ và phương pháp học tập của mỗi sinh viên có thể khác nhau, nhưng mục tiêu không khác nhau. Mỗi sinh viên phải đạt được các mục tiêu học tập cá nhân và đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết vào cuối khóa học.
Ngoài ra, học tập cá nhân cũng cho phép sinh viên tự quản lý thời gian học tập và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Sinh viên có thể tìm hiểu các khóa học trực tuyến hoặc đăng ký các khóa học tại các trường đại học khác để tăng cường kiến thức và kỹ năng của mình.
Học tập theo bước nhỏ (Micro-learning)
Phương pháp này có đặc điểm nổi bật là ngắn gọn, đa dạng, linh hoạt. Trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, khả năng tập trung của con người có chiều hướng giảm đã gây hưởng đến quá trình học tập và đào tạo nhân lực tương lai. Vì vậy, xu hướng học tập theo bước nhỏ (Micro-learning) trở thành một giải pháp hiệu quả cho việc đào tạo sinh viên.
Thay vì chia sẻ nhiều kiến thức, giảng viên sẽ chia nhỏ các khái niệm thành những thông tin dễ tiếp thu trong từng đợt ngắn. Nhờ vậy, người học dễ dàng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin một cách lâu dài.
Hình thức học tập theo bước nhỏ cũng rất đa dạng dưới các dữ liệu cung cấp cho người học, có thể bằng dạng ảnh, Video, File Pdf,… Nhờ các hình thức này, sinh viên có thể tiết kiệm nhiều thời gian nhưng vẫn tiếp nhận đủ những kiến thức cần thiết.
“Phương pháp học tập theo bước nhỏ được rất nhiều giảng viên chọn lựa. Giảng viên - với vai trò là người hướng dẫn không mang đến kiến thức khô cứng, khó hiểu được “bê” ra từ giáo trình mà là những nội dung cụ thể, sát thực, gần gũi…”- Thạc sỹ Phan Hà, giảng viên ngành Báo chí bày tỏ.
Giáo dục cảm xúc xã hội (Social Emotional Learning)
Phương pháp này giúp sinh viên phát triển toàn diện. Theo một số giảng viên trẻ, giáo dục hiện đại không đơn thuần chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là sự phát triển toàn diện cho học sinh và sinh viên. Trong đó, xu hướng giáo dục cảm xúc xã hội (SEL - social emotional learning) đang ngày càng được chú trọng.
Giáo dục SEL nhằm phát triển các kỹ năng xã hội, tâm lý và cảm xúc cho sinh viên, giúp họ trở thành những người tự tin, có khả năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, tạo mối quan hệ tốt với đối phương và đón nhận nhiều thay đổi trong cuộc sống. Những kỹ năng này không chỉ giúp sinh viên thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp mà còn tạo ra một môi trường học tập tích cực và thân thiện, giúp tăng cường tinh thần học tập, giảm stress cho sinh viên.
Nói về ý nghĩa của việc áp dụng phương pháp Giáo dục cảm xúc xã hội, TS Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nhóm nghiên cứu thiết kế và tổng hợp thuốc mới, Khoa Dược, giảng viên Trường ĐH Phenikaa chia sẻ: “Trường ĐH Phenikaa đã áp dụng SEL vào giáo dục bằng cách tạo ra một môi trường học tập thân thiện, sáng tạo và hợp tác; sinh viên được khuyến khích phát triển kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự tin và chủ động. Các em cũng được hỗ trợ để xây dựng các mối quan hệ tích cực với bạn bè, giáo viên, gia đình. Đây thực sự là một yếu tố quan trọng giúp sinh viên thành công trong cuộc sống và công việc”.
4 phương pháp giáo dục hiện đại trên luôn mang đến những điều mới mẻ cho sinh viên, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách thuận lợi. Việc áp dụng các xu hướng giáo dục mới không chỉ hỗ trợ sinh viên trau dồi kiến thức mà còn phát triển bản thân và đạt được những mục tiêu trong cuộc sống; vì vậy học sinh phổ thông, nhất là học sinh lớp 12 có thể tìm hiểu, tự trang bị cho mình các phương pháp trên để việc tiếp thu kiến thức được dễ dàng và thực chất hơn.