47.000ha không canh tác được do hạn hán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi tổ chức đoàn kiểm tra thực tế, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã có báo cáo tình hình thiệt hại do hạn hán tại một số tỉnh miền Trung.

Theo đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Nghệ An đến Quảng Trị có nền nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng duy trì liên tục hết tháng 6/2015 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, dung tích các hồ chứa đều dưới mực nước chết và trong tình trạng cạn kiệt như ở Nghệ An hiện mực nước hồ chứa chỉ đạt 20 - 40% dung tích thiết kế…

Tại Ninh Thuận, từ giữa năm 2014 đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 330mm, thấp hơn cùng kỳ 440mm làm lượng nước chỉ còn 15,65/192,21 triệu mét khối, tương đương 8,14%. Điều này khiến cho sản xuất nông nghiệp vô cùng khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của Nhân dân. Trong đó hai tỉnh đã công bố tình hình thiên tai là Nghệ An và Ninh Thuận.

 
Hạn hán ở Ninh Thuận. Ảnh: NLĐ
Hạn hán ở Ninh Thuận. Ảnh: NLĐ
Qua tổng hợp, diện tích cây trồng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa trong vụ đông xuân 2014 - 2015 và vụ hè thu 2015 khoảng 54.833ha. Trong đó, diện tích cây trồng bị thiệt hại trên 70% khoảng 12.224ha. Tổng diện tích không canh tác được do thiếu nước tại 5 tỉnh trên khoảng 47.082ha, phần lớn là diện tích lúa. Về chăn nuôi, do hạn hán làm thiếu thức ăn, suy dinh dưỡng và ngộ độc thức ăn đã làm chết 1.810 con vật nuôi, chủ yếu là dê, cừu. Đáng chú ý, tình hình hạn hán còn gây thiếu nước ăn và nước sinh hoạt của người dân. 

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, mặc dù hạn hán đã được dự báo trước, nhiều địa phương chủ động ứng phó như vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, trích ngân sách tỉnh hỗ trợ các giống cây trồng cạn như đậu xạnh, đậu đen, vừng... Tuy nhiên diện tích chuyển đổi cũng gặp khó khăn vì quá thiếu nước trong cả giai đoạn dài, không thể gieo trồng ngay cả các cây chịu hạn từ đất lúa. 

Theo ông Định, về giải pháp ngắn hạn, các địa phương cần cân đối nguồn nước phân vùng tưới cụ thể, trên cơ sở đó xác lập vùng an toàn tưới, vùng có nguy cơ nhằm xây dựng phương án sản xuất trong tình hình dự báo hạn hán.  Đồng thời tập trung tu bổ kênh mương nội đồng, bờ vùng bờ thửa, triển khai nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy và tăng cường đào ao, giếng, đắp đập tạm giữ nước, lắp đặt máy bơm dã chiến, tìm nguồn nước, đảm bảo tích trữ được nguồn nước khi có mưa để phục vụ sản xuất.

Về lâu dài, cần căn cứ vào nguồn nước và tình hình hạn hạn những năm vừa qua, rà soát lại quy hoạch, xây dựng bản đồ hạn cho các tỉnh khu vực miền Trung để có kế hoạch gieo trồng phù hợp. Đồng thời rà soát lại quy hoạch về các hệ thống thủy lợi để có sự đầu tư kinh phí kịp thời nhằm cải tạo những hồ, đập đã có, xây dựng mới các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương  tiếp tục rà soát tình hình thiệt hại, tổng hợp số liệu đề xuất kinh phí hỗ trợ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra theo các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ dân phải bỏ đất hoang hóa không gieo trồng được do nắng hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần