Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

490.000 trẻ mắc Covid-19: Không được chủ quan dù bệnh nhẹ

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Nhiều địa phương đã và sẽ tiếp tục cho trẻ đến trường, vì thế số trẻ nhiễm bệnh có thể tăng lên trong thời gian tới. Các chuyên gia y tế khuyến cáo cần có biện pháp bảo vệ đối với trẻ em, đặc biệt đối với những trẻ mắc Covid-19 có bệnh nền, thừa cân, béo phì...

165 trẻ tử vong do Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỉ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi. Cả nước ghi nhận 165 trẻ tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong tổng số 516.163 ca mắc Covid-19, có 32.429 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Tỉ lệ tử vong/mắc 0,15%. Qua phân tích 2.478 ca mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng rất cần được quan tâm, phòng tránh. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng cấp tính của Covid-19. Thậm chí có những trường hợp viêm đa cơ quan, đây là biểu hiện nghiêm trọng. Những trường hợp trẻ mắc Covid-19 viêm đa hệ tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine Covid-19.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán Covid-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách li tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện. Hiện bệnh viện đang điều trị 10 bệnh nhân Covid-19. Thời gian qua đã có 5 trẻ mắc Covid-19 tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có tổng 617 bệnh nhân Covid-19 là trẻ em dưới 16 tuổi trên tổng số 6.484 F0 đã điều trị tại đây; có 21 trẻ nặng, nguy kịch.

Không được chủ quan

Theo các bác sĩ, số trẻ mắc Covid-19 nặng chưa quá nhiều nhưng biểu hiện bệnh lại khá đa dạng, khó xác định và không giống ở người lớn. Có trẻ không có triệu chứng đường hô hấp mà lại có triệu chứng ở não hay tim. Điều đáng lo ngại là phụ huynh không nghĩ trẻ bị nhiễm Covid-19 mà chỉ là cảm sốt thông thường hoặc các bệnh khác, nhất là những trẻ nhỏ có biểu hiện kích thích, vật vã, nôn ói chứ không khó thở hay các triệu chứng như ở người lớn. Do đó, các bậc phụ huynh dễ nhầm lẫn, bỏ sót và đưa con đến bệnh viện muộn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương  cho hay, tỷ lệ bệnh nhi mắc Covid-19 chuyển nặng chiếm phần rất nhỏ nhưng khi xảy ra tình huống số nhiễm lớn đột biến thì số trẻ em nhiễm sẽ tăng theo. Chưa kể, một vài hệ luỵ có thể xảy ra như vòng lây nhiễm khi trẻ có diễn biến nhẹ mang bệnh về lây cho người cao tuổi, nguy cơ cao, người nhỏ tuổi hơn, bệnh nền, phụ nữ mang thai… chưa tiêm vaccine.

Vì vậy, để hạn chế khả năng tăng nặng bệnh ở trẻ, cần đảm bảo trẻ diễn biến nhẹ phải được chăm sóc đầy đủ ở tầng thấp, phát hiện sớm diễn biến nặng để điều trị phù hợp, kịp thời. Theo bác sĩ Cấp, việc nâng cao năng lực điều trị ca bệnh nặng rất cần thiết vì thực tế số bệnh nhi diến biến nặng ít nhưng số cơ sở hồi sức nhi nhỏ tuổi cũng rất ít. Bởi vậy, cần được đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực điều trị nhi khoa, chuyển giao kỹ thuật để khi xảy ra tình huống tăng ca nặng sẽ không bị lúng túng.

Để trẻ đến trường an toàn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, TP, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, gấp rút chuẩn bị các điều kiện an toàn để có thể đón học sinh trở lại trường học tập trung.

“Các nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ GG&ĐT như vệ sinh trường học, phân luồng đón tiếp học sinh, bố trí phòng cách li tạm thời tại các trường học, phòng học dự phòng trong tình huống có học sinh nghi nhiễm, nhiễm SARS-CoV-2”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói thêm.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc Covid-19 sẽ tăng cao. Do vậy việc đảm bảo an toàn cho trẻ để phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt với nhóm trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine Covid-19.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân Covid-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kĩ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện, tránh tình trạng chuyển nặng không cần thiết...

Đối với các cơ sở điều trị tầng 2 và tầng 3 cũng cần nâng cao năng lực điều trị nhi khoa mắc Covid-19, chuẩn bị sẵn một số cơ sở vật chất, trang thiết bị về hồi sức nhi trong trường hợp nhu cầu hồi sức cấp cúu tăng.

Ngoài ra Bộ Y tế khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ từ 5-12 tuổi tiêm phòng vaccine Covid-19 khi Bộ Y tế triển khai tiêm trong thời gian tới. Việc tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi này có ý nghĩa quan trọng, vừa giảm lây nhiễm cho trẻ, vừa giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, từ đó bảo vệ cho những người nguy cơ cao. Hiện Bộ Y tế đã chuẩn bị các điều kiện để tiến hành tiêm an toàn, thận trọng.