Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai chương trình khu vực phía Bắc. - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngày 25/9, tại Vĩnh Phúc, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Chương trình xây dựng nông thôn mới phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai chương trình khu vực phía Bắc.
Theo báo cáo tại hội nghị, ngân sách trung ương trong 2 năm qua đã hỗ trợ cho 30 tỉnh phía Bắc (trừ thành phố Hà Nội) là 2.054 tỷ đồng. Trong đó năm 2012 là 1.110,3 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2011. Ngân sách địa phương, tính đến hết tháng 8/2012 đã có 21/31 tỉnh bố trí ngân sách địa phương cho Chương trình nông thôn mới, với tổng kinh phí 16.641 tỷ đồng.
Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến nay đã có 2.436/5.855 xã đã phê duyệt xong đề án xây dựng nông thôn mới, đạt 42%. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng đạt tỷ lệ 51%, khu vực Bắc Trung Bộ đạt 43%, vùng miền núi phía Bắc đạt 35%.
Có 7/31 tỉnh đã hoàn thành phê duyệt đề án là Hà Tĩnh, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc. Có 8/29 tỉnh đạt tỷ lệ phê duyệt đề án rất thấp gồm: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Hưng Yên, Hải Phòng và Quảng Trị.
Thực tế cho thấy, công tác lập đề án xây dựng nông thôn mới hiện đang bộc lộ những bất cập như chưa bám sát quy hoạch của xã, năng về tính toán đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến sản xuất, môi trường, văn hóa…; nhiều giải pháp thiếu tính thực tiễn, việc phê duyệt của cấp huyện còn mang tính hình thức.
Một điểm đáng chú ý là sau 2 năm triển khai Chương trình, các địa phương cả nước đã xây dựng được gần 5.000 mô hình sản xuất (nâng cao giá trị thu nhập từ 20-25%), nhiều tỉnh phát động phong trào dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, nhìn chung công tác phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa hiệu quả, nâng cao thu nhập cho cư dân ở các tỉnh phía Bắc còn chậm, đề án phát triển sản xuất ở nhiều xã mang nặng tính tự phát. Liên kết sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học chậm phát triển; công tác tập huấn, đào tạo nghề nông dân còn rất hạn chế…