Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 bệnh nhân nam được ghép giác mạc từ người Mỹ hiến tặng

Đức Vinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 giác mạc do những người Mỹ hiến tặng đã được Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 (tỉnh Thừa Thiên Huế) ghép cho 5 bệnh nhân nam, giúp họ có cơ hội phục hồi lại thị lực.

Ngày 4/6, Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 cho biết, vừa tiến hành phẫu thuật ghép giác mạc cho 5 bệnh nhân nam độ tuổi 34 - 54 từ giác mạc của những người Mỹ hiến tặng. Các bệnh nhân này được hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật và được lựa chọn trong số 500 người được bệnh viện này khám mắt miễn phí vào giữa tháng 5/2019.
 Các bác sĩ tiến hành ghép giác mạc cho một bệnh nhân.
Trước đó, vào ngày 2/6, tại sân bay Đà Nẵng, bác sĩ Edward Charles Kondrot - bác sĩ nhãn khoa thuộc thành viên Hội nhãn khoa Hawaii và tổ chức SEE International (Hoa Kỳ) đã mang “món quà” gồm 10 chiếc giác mạc của những người Mỹ vừa qua đời trao cho Bệnh viện Trung ương Huế (5 chiếc) và Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (5 chiếc ). Đây là số giác mạc mà Ngân hàng Mắt tại Mỹ gửi cho bác sỹ Kondrot với chia sẻ rằng “Việt Nam rất thiếu giác mạc nên chúng tôi dành 10 chiếc cho chương trình này”.
Qua quá trình trao đổi và chuẩn bị kĩ lưỡng giữa Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 và bác sĩ Kondrot ngày 3/6, các bệnh nhân đã được đưa lên bàn phẫu thuật, ghép giác mạc thành công.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc của bệnh nhân trong nước rất lớn, tuy nhiên nguồn giác mạc hiến tặng lại quá hiếm. Mặt khác, mỗi ca ghép giác mạc có chi phí cao lên đến vài trăm triệu đồng nên với những gia đình người bệnh có thu nhập thấp rất khó tìm lại được ánh sáng. Chính vì vậy, bệnh viện sẽ cố gắng kết hợp với các tổ chức từ thiện để có thể hỗ trợ tối đa cho nhiều bệnh nhân phải ghép giác mạc.
“Tại Bệnh viện Trung ương Huế, kỹ thuật ghép giác mạc đã được triển khai cách đây 30 năm và nay đã phát triển thêm tại Cơ sở 2, đây là tin vui đối với người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận”, GS.TS Phạm Như Hiệp nói.
Được biết, vợ chồng bác sĩ Kondrot thường tới các quốc gia nghèo để thực hiện chương trình mổ mắt, ghép giác mạc miễn phí cho các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em.