Biến chứng đường hô hấp
Biến chứng đường hô hấp thường là viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm thanh quản. Các biến chứng này do bội nhiễm, thường xuất hiện sau thời kỳ hay cuối thời kỳ mọc ban. Diễn biến bệnh thường là ho, sốt, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, khó thở, tím tái.
Viêm phổi: Bệnh nhân bị bội nhiễm các loại vi khuẩn khác, thời điểm xuất hiện biến chứng thường muộn sau khi phát ban hoặc có thể đồng thời trong khi phát ban.
Triệu chứng khi bị viêm phổi là: Sốt cao, khi nghe phổi thấy ran nổ, công thức máu thấy bạch cầu tăng cao, trên phim X-quang thấy hình ảnh nốt mờ rải rác ở hai trường phổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Biến chứng thần kinh
Đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi.
Bệnh viêm màng não-viêm não do virus sởi hay cũng có thể bị viêm màng não mủ do bị bội nhiễm vi khuẩn.
Bệnh nhân có thể bị biến chứng viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa: bệnh này thì thường sẽ xuất hiện vào giai đoạn muộn, có khi sẽ xuất hiện sau vài năm do virus sởi có thể sống được nhiều năm trong cơ thể người. Đây là một biểu hiện điển hình của trường hợp bị nhiễm trùng chậm.
Biến chứng đường tiêu hóa
Những biến chứng trên đường tiêu hóa của bệnh nhân bao gồm: bệnh nhân bị viêm niêm mạc miệng, xuất hiện các bệnh bị viêm ruột do trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn thuộc họ đường ruột như Shigells, hay E.coli,…
Biến chứng tai – mũi – họng
Biến chứng tai- mũi - họng, vùng khoang miệng: Thường gặp là viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai và viêm tai xương chũm. Viêm niêm mạc miệng hay xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh sởi là do virus sởi, thường hết cùng với ban. Biến chứng có thể xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh sởi, thường do bội nhiễm.
Biến chứng mắt - loét giác mạc
Có thể gặp ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, biến chứng này có thể để lại di chứng mù vĩnh viễn.
Phòng tránh và chăm sóc khi trẻ mắc bệnh sởi
Sởi là bệnh do virus gây ra và dễ lây lan nên biện pháp phòng chống là rất quan trọng.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.
- Tăng cường dinh dưỡng đầy đủ gồm 4 nhóm thực phẩm: vitamin, khoáng chất, bột đường, đạm và béo để phòng suy dinh dưỡng khi trẻ mắc bệnh.
- Uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá mức.
- Tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh nhiễm trùng cơ hội.
- Nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người nếu trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.
- Tránh các loại thực phẩm cay, nóng, tanh, chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Vệ sinh sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.
- Phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh.
- Khi xuất hiện các biến chứng như nhiễm khuẩn, viêm não hay suy hô hấp, người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.