TS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Nội – Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi, trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi.
Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”…
Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não có thể do người bệnh không kiểm soát tốt khi mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu. Ngoài ra, những thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo,… cũng là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Phụ thuộc vào mức độ nặng của đột quỵ, nguyên nhân, độ tuổi bị bệnh, người bệnh có thể gặp di chứng với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong đó, có 5 di chứng thường gặp do tai biến mạch mãu não:
Liệt vận động
Theo thống kê, có khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, tê bì cảm giác nửa người) sau đột quỵ.
Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân về sinh hoạt, đi lại hàng ngày. Bệnh nhân liệt nằm lâu ngày có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: cứng khớp, loét các điểm tì đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu,…thậm chí tử vong.
Sau đột quỵ, người bệnh cần tập phục hồi chức năng để giúp tuần hoàn không bị ứ trệ, ùn tắc đờm rãi, tránh cứng khớp và các nhiễm trùng cơ hội khác, giúp cho cơ lực khỏe hơn, nhanh hồi phục.
Rối loạn ngôn ngữ
Sau đột quỵ, người bệnh có thể gặp các rối loạn về ngôn ngữ do tổn thương tại vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ với các biểu hiện: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi,… gặp khó khăn khi diễn đạt, thậm chí là không nói được.
Để khắc phục rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ, những người xung quanh cần giúp người bệnh học lại kỹ năng giao tiếp.
Suy giảm nhận thức
Đây là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh đột quỵ não gây sa sút trí tuệ. Người bệnh bị rối loạn nhận thức có các biểu hiện như: hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân, gia đình của mình và không hiểu được lời nói của người khác…
Nhiều người bệnh rất lâu mới có thể phục hồi và không thể làm những công việc yêu cầu trí tuệ minh mẫn, cũng như độ phức tạp nhiều như trước đây.
Trầm cảm, rối loạn cảm xúc
Người bệnh sau đột quỵ thường bị suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân, phải nhờ đến sự chăm sóc của người khác; mắc các chứng rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, khó khăn trong giao tiếp, không thể tham gia các hoạt động, khiến người bệnh tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ cáu gắt, xúc động,…
Thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, người bệnh nên tham gia nhóm hoặc câu lạc bộ đột quỵ để kết bạn và chia sẻ với những người bạn mới có cùng hoàn cảnh.
Rối loạn tiểu tiện
Người bệnh đột quỵ không kiểm soát được tình trạng tiểu tiện do rối loạn cơ vòng kết hợp với chứng rối loạn nhận thức, cảm giác. Vì thế, chăm sóc, đảm bảo vệ sinh là cách tốt nhất để phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu,… giúp người bệnh có tinh thần thoải mái.