Vì sao loại "giun rồng" lại xuất hiện ở Việt Nam?
PGS.TS Đỗ Trung Dũng cho biết, năm 2018 đã có một nghiên cứu của Pháp chứng minh tìm thấy các ấu trùng "giun rồng" sống ký sinh trong một số loài rắn ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ, loại giun này đã tồn tại trong môi trường tại một số vùng núi của nước ta.
5 năm ghi nhận 24 ca bệnh "giun rồng" tại nước ta
Anh Đỗ Tuấn Đạt ở tỉnh Hòa Bình là một trong số những bệnh nhân bị nhiễm bệnh “giun rồng” ở nước ta. Thời điểm đầu phát bệnh, anh Đạt có những triệu chứng rất mơ hồ như mẩn ngứa ở cẳng chân trái, sau đó tiến triển sưng đỏ và mưng mủ. Đến khi vết thương đóng vẩy, dùng tay cậy ra lại rút được một đoạn dây dài màu trắng dài khoảng 15cm. Lúc này anh Đạt cũng chưa để tâm đến tình trạng bệnh của mình.
Tuy nhiên các biểu hiện không dừng lại đó. Chỉ một thời gian sau, anh Đạt lại thấy xuất hiện vết ngứa và sưng rộp ở chân bên phải. Lần này anh tự rút ra được 1 con giun dài 45cm. Và lần cuối cùng là một con ở lưng khoảng 20cm.
“Lên bệnh viện tỉnh thì bác sỹ nghĩ là bị sán chó mèo. Sau có lên tuyến trung ương và gửi 1 mẫu về đó thì được chẩn đoán bị nhiễm “giun rồng”. Nguồn lây ở đâu thì thực sự bản thân cũng không rõ”- Anh Đạt chia sẻ.

Hình ảnh gắp "giun rồng" từ chân người bệnh. (Ảnh bác sỹ cung cấp)
Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng Khoa ký sinh trùng, Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng trung ương, trước đây nhiễm giun rồng khá phổ biến trên thế giới, nhưng chỉ lưu hành phổ biến ở các nước châu Phi. Năm 1998, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chứng nhận Việt Nam là quốc gia không có ca mắc giun rồng. Tuy nhiên đến năm 2020, loài ký sinh trùng bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên trên người ở nước ta.
Trong 5 năm qua, cả nước đã ghi nhận 24 ca nhiễm, đều là nam giới ở 5 tỉnh, thành gồm: Yên Bái (11 ca), Phú Thọ (8 ca), Lào Cai (2 ca), Hòa Bình (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca).
"Bệnh nhân thường có thói quen ăn thịt động vật chưa nấu chín như cá, ếch, rắn và uống nước lã. Ấu trùng giun rồng vào cơ thể trong 10-12 tháng sẽ phát triển thành giun tìm cách chui ra ngoài. Đáng chú ý từ khi nhiễm giun đến khi có triệu chứng là khoảng 12 tháng, trong thời gian này bệnh nhân không có triệu chứng và cũng không có phương tiện xét nghiệm chẩn đoán nào phát hiện ra cả”- PGS.TS Đỗ Trung Dũng thông tin.
Vì sao loại "giun rồng" lại xuất hiện ở Việt Nam?
Sau khi phân tích mẫu "giun rồng" được lấy từ người bệnh, các chuyên gia của WHO nhận định, đây là loài "giun rồng" mới không giống loài đã gặp ở người bệnh Châu Phi.
Lý giải về nguyên nhân vì sao lại xuất hiện bệnh "giun rồng" ở nước ta, PGS.TS Đỗ Trung Dũng cho biết, năm 2018 đã có một nghiên cứu của Pháp chứng minh tìm thấy các ấu trùng "giun rồng" sống ký sinh trong một số loài rắn ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ, loại giun này đã tồn tại trong môi trường tại một số vùng núi của nước ta. Thời gian gần đây do thói quen ăn các loại thịt tái sống như cá, ếch nhái hay rắn chưa được nấu chín là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhiễm các ấu trùng của "giun rồng" vào cơ thể con người.
"100% các trường hợp nhiễm "giun rồng" mà chúng tôi ghi nhận được có thói quen ăn đồ tái chín, thậm chí uống nước suối..." - PGS.TS Đỗ Trung Dũng cho biết.

PGS.TS Đỗ Trung Dũng trao đổi với PV VOV2 (Ảnh: PV)
PGS Dũng thông tin thêm, bệnh "giun rồng" hiện không có thuốc điều trị, không có vaccine, người nhiễm bệnh phải đợi đến khi "giun rồng" chui ra khỏi da, thông qua các vết sứt hoặc vết phồng rộp trên da. Lúc này nên đến các cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế sẽ quấn cẩn thận để giun không bị đứt và lấy ra dần dần. Bởi nếu làm đứt đoạn trong quá trình lấy giun ra sẽ làm phát tán hàng triệu ấu trùng "giun rồng" giải phóng vào vùng da thịt người bệnh, có thể gây nhiễm tiếp hoặc gây phản ứng viêm rất mạnh.
"Có nhiều trường hợp phải vài ngày giun mới chui ra khỏi da hoàn toàn, trong thời gian này phải băng ép cẩn thận để giun không bị đứt đoạn. Chính vì vậy, người dân không nên tự ý lấy "giun rồng" mà nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng. Cũng không nên cắt rạch để lấy giun ra" - PGS.TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo.
Bệnh "giun rồng" nguy hiểm ở chỗ, giun có thể chui vào các vị trí khác như các ổ khớp, cột sống. Khi giun bị chết tại các vị trí này sẽ tạo vết vôi hóa gây ra tình trạng cứng khớp, liệt chi...
Để phòng giun rồng nói riêng và các bệnh ký sinh trùng nói chung, PGS.TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi; tránh ăn đồ sống như gỏi cá, tiết canh, thịt tái. Không sử dụng nước từ ao, hồ, suối chưa qua xử lý để uống hoặc sinh hoạt.
Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh giun rồng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng để hạn chế nhiễm bệnh.

Giám sát ca bệnh nhiễm giun rồng tại Hòa Bình
Kinhtedothi-Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hòa Bình, cuối tháng 2 vừa qua, Trung tâm nhận được thông tin từ Khoa Ký sinh trùn, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương về việc có ca bệnh nhiễm giun rồng (Dracanculus medinensis) tại TP Hòa Bình.