Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đề xuất trạm y tế hoạt động như “bệnh viện mini”

Người dân được hưởng lợi trực tiếp

Kinhtedothi - Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế (TYT) xã, phường, có đề xuất nhiều quy định mới về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất TYT xã theo mô hình khoa, phòng tương tự một bệnh viện (BV) thu nhỏ nhằm bảo đảm TYT xã thực hiện tốt vai trò "gác cửa" chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đây là tâm tư, nguyện vọng, vấn đề được nhiều người dân quan tâm và mong muốn từ lâu.

Phát huy vai trò y tế tuyến cơ sở 

Theo dự thảo đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, TYT xã trong thời gian tới sẽ được tổ chức theo hướng chuyên sâu, bài bản hơn. Cụ thể, ngoài trưởng trạm và phó trưởng trạm, các trạm sẽ có ít nhất 5 khoa gồm: khoa phòng bệnh; khoa khám chữa bệnh và phục hồi chức năng; khoa dược - cận lâm sàng; khoa dân số, bảo trợ xã hội và truyền thông giáo dục sức khỏe; văn phòng trạm.

Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, theo dự thảo này, TYT xã không chỉ tiếp tục nhiệm vụ truyền thống như: tiêm chủng, theo dõi thai kỳ, khám chữa bệnh (KCB) ban đầu… mà còn được bổ sung thêm các nhiệm vụ như: tư vấn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; quản lý sức khỏe toàn dân tại cộng đồng. Đặc biệt, TYT được thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiểu phẫu - những nhiệm vụ trước đây hầu như chỉ có ở tuyến trên…

Để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, dự thảo cũng đề xuất xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, bảo đảm cho TYT xã hoạt động ổn định và hiệu quả. Ngoài ngân sách Nhà nước, trạm có thể tiếp nhận các nguồn tài trợ và nguồn thu khác theo quy định. Bộ Y tế cho rằng, việc trao thêm quyền tự chủ tài chính sẽ giúp các TYT linh hoạt hơn trong tổ chức hoạt động, thu hút và giữ chân nhân lực có chuyên môn.

Dự thảo cũng đặt mục tiêu xây dựng các TYT xã đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực và quản lý. Việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân toàn dân, quản lý sức khỏe hộ gia đình và triển khai KCB từ xa sẽ được đẩy mạnh. Bộ Y tế đề xuất TYT xã là đơn vị sự nghiệp y tế công lập, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng, chịu sự quản lý, toàn diện của UBND cấp xã và do sở y tế quản lý Nhà nước về chuyên môn. Đề xuất này cho thấy rõ vị trí pháp lý của TYT xã so với quy định hiện hành.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Khi các TYT được xây mới cũng như tăng cường cơ sở vật chất sẽ tạo ra bộ mặt mới cho y tế cơ sở ở các tỉnh/TP, cải thiện các dịch vụ y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu; ưu tiên các đối tượng là bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người dân vùng khó khăn… Các địa phương cần có lộ trình cụ thể trong việc hỗ trợ các kỹ thuật cao cho tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh việc triển khai xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Bà Bùi Thị Lậm (75 tuổi) ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết: “Nếu đề xuất TYT trở thành một BV thu nhỏ thành hiện thực, những người dân ngoại thành như tôi có thể KCB, điều trị bệnh chuyên sâu ngay gần nhà rất thuận tiện. Tôi mong mô hình BV thu nhỏ này sớm hoạt động để người dân được hưởng lợi, không phải lên tuyến trên, xếp hàng chờ đợi”. Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Vượng – Trạm trưởng TYT xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết, hiện nay, TYT xã Hạ Mỗ đang quản lý gần 700 bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch). Trung bình, mỗi ngày TYT tiếp đón khoảng hơn 20 bệnh nhân, thậm chí có ngày 30 bệnh nhân đến khám bệnh. Đây là những con số đáng ghi nhận tại một TYT, chứng minh niềm tin của người dân đang dần “đặt đúng chỗ” đối với y tế tuyến cơ sở.

Phải có đủ con người, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng

Đề cập đến dự thảo của Bộ Y tế, bác sĩ Nguyễn Thị Vượng cho rằng, đề xuất TYT như BV thu nhỏ rất thiết thực với người dân và các TYT, vừa tạo thuận lợi cho người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các dịch vụ y tế vừa giúp giảm tải cho BV tuyến trên. Với đề xuất này, TYT xã cũng được trao thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới, để y tế cơ sở ngày càng làm tốt vai trò "gác cửa" chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, từ đó, diện mạo ngành y tế được đổi thay, rõ nét.

“Có thể thấy, TYT - nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân đã làm tốt công tác dự phòng, KCB ban đầu nhưng để thành BV thu nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị (máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm (máu, nước tiểu…), máy chụp X.Quang, máy soi tai mũi họng và nhân lực (bác sĩ chuyên khoa), thu nhập, phụ cấp… phải đảm bảo” - bác sĩ Nguyễn Thị Vượng nêu rõ.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Tý cho rằng còn nhiều vấn đề vướng mắc, trong đó, việc cung ứng thuốc, mua sắm dự trù thuốc, nhân lực còn nhiều khó khăn. Trong khi phân bổ các y bác sĩ về các TYT không đủ điều kiện để thực hiện chuyên môn. “Một TYT có thể có đến 20-30 nhân viên y tế nhưng quan trọng là có bao nhiêu người được thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Giải pháp để thực hiện đề xuất TYT như BV thu nhỏ, quan trọng nhất vẫn là nhân lực, con người; không phải cứ bác sĩ về TYT là làm được tất cả các chuyên môn” – ông Nguyễn Văn Tý nhấn mạnh.

Đồng tình với dự thảo, đề xuất của Bộ Y tế, TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho rằng, hiện nay, căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ của TYT gồm: KCB, dân số, phòng bệnh… đương nhiên cơ cấu tổ chức của TYT phải có khoa Khám bệnh, Xét nghiệm, dân số… Sau này, tùy điều kiện, nhu cầu từng TYT, phân công theo tổ chức bộ máy. Có thể thấy, dự thảo, đề xuất này của Bộ Y tế phù hợp và chấp nhận được.

Thực tế cho thấy, một TYT trước tinh gọn bộ máy quản lý khoảng 10.000 - 15.000 dân nhưng sau sắp xếp, một TYT quản lý sức khỏe khoảng 30.000 – 40.000 dân, trong khi theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tới đây, người dân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần cũng như điều kiện, nhu cầu người dân đòi hỏi ngành y tế. Do đó, theo TS Nguyễn Văn Thường, để TYT thành BV thu nhỏ có đầy đủ chức năng thì phải có đủ con người, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng (có đủ diện tích để đảm bảo cho việc KCB).

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Nguyễn Hồng Sơn, các TYT xã, phường hiện hữu sẽ lựa chọn 1 TYT xã, phường làm trung tâm y tế của đơn vị hành chính cấp cơ sở (xã, phường) mới. Ngành dự kiến sẽ điều động nhân lực, các bác sĩ, điều dưỡng từ TTYT tuyến huyện trước đây và từ các TYT xã, phường trên địa bàn về công tác tại TTYT xã, phường của đơn vị hành chính mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn TYT xã có đầy đủ các khoa như “BV mini” cần có nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, như vậy mới bảo đảm TYT xã thực hiện tốt vai trò "gác cửa" chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Trích dẫn
Trích dẫn 2
Theo phương án của Hà Nội, sau sáp nhập các TYT xã, phường theo đơn vị hành chính cấp xã mới thì sẽ thành lập 126 TYT xã, phường. Với 126 TYT xã này, nếu phân chia một TYT có 2 bác sĩ có thể không thiếu nhưng quan trọng là chứng chỉ hành nghề không đủ. Nghề y có tính chất đặc thù, không như những ngành khác. Đơn cử như, bác sĩ khám nội chỉ được khám nội; bác sĩ khám tâm thần chỉ được khám tâm thần, trong khi, không phải TYT nào cũng được cấp thuốc tâm thần. Hiện cả 1 TTYT được đi học chuyên môn về tâm thần.
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Tý

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Miễn viện phí - cần nguồn lực tài chính bền vững

Miễn viện phí - cần nguồn lực tài chính bền vững

22 May, 04:53 AM

Kinhtedothi - Miễn viện phí toàn dân là một bước tiến lớn về an sinh xã hội mang ý nghĩa tích cực lâu dài cho xã hội, giúp mọi người dân tiếp cận y tế, không lo gánh nặng tài chính. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có những giải pháp cụ thể, lộ trình rõ ràng cùng sự chung tay, đồng thuận của xã hội, đặc biệt là sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, nguồn tài chính bền vững, mới có thể duy trì chất lượng dịch vụ y tế toàn dân.

Thống nhất, đồng bộ trong quản lý dữ liệu y tế

Thống nhất, đồng bộ trong quản lý dữ liệu y tế

14 May, 05:37 PM

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2025/NĐ-CP ngày 13/5/2025 quy định quản lý dữ liệu y tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với quản lý dữ liệu y tế, tạo sự thống nhất, đồng bộ các nội dung về tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ, sử dụng và quản lý dữ liệu y tế.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ