Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 hòn đảo ở Thái Bình Dương bị biển “nuốt gọn”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 hòn đảo thuộc quần đảo Solomon đã biến mất hoàn toàn do nước biển dâng trong 7 thập kỷ qua, theo một nghiên cứu được công bố của tổ chức nghiên cứu môi trường Environment Research Letters.

Đảo Sogomou, thuộc quần đảo Solomon, đã mất 55% diện tích bề mặt.
Đảo Sogomou, thuộc quần đảo Solomon, đã mất 55% diện tích bề mặt.
Bên cạnh đó, 6 hòn đảo khác cũng mất hơn 20% diện tích bề mặt, buộc cộng đồng sinh sống tại đây phải tìm nơi ở khác. “Những người đã sống ở đây trong 4 - 5 thế hệ đã mất hết nhà cửa. Đây là điều rất đáng báo động", ông Simon Albert, tác giả chính của nghiên cứu, Đại học Queensland cho biết.

Đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên xác nhận tình trạng mà những người dân ở Thái Bình Dương đang gặp phải trong nhiều năm qua: Các hòn đảo, nơi sinh sống của họ đang dần biến mất. Quần đảo Solomon là một quần đảo dân cư thưa thớt với hơn 900 hòn đảo, nằm về phía đông Papua New Guinea. Các đảo này vốn là các đảo trũng thấp nên đặc biệt dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng cao.
Khu vực Roviana ở cao hơn mực nước biển so với các khu vực khác.
Khu vực Roviana ở cao hơn mực nước biển so với các khu vực khác.
Nghiên cứu này, do một nhóm các nhà khoa học Australia, sử dụng hình ảnh trên không và chụp từ vệ tinh của 33 hòn đảo từ giữa năm 1947 đến 2014 để theo dõi những thay đổi trên khu vực bề mặt đất. Nghiên cứu ghi nhận, mực nước biển đã dâng cao do biến đổi khí hậu, sự ấm lên của khí quyển.

Trong 20 năm qua, mực nước biển ở quần đảo Solomon đã tăng 7 - 10mm mỗi năm, gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu. Theo Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu, mức tăng mực nước biển toàn cầu sẽ đạt 5mm mỗi năm trong 50 năm cuối của thế kỷ.
Mực nước biển đã tăng trung bình 10mm mỗi năm.
Mực nước biển đã tăng trung bình 10mm mỗi năm.
"Những gì chúng ta chứng kiến ở quần đảo Solomon sẽ xảy ra trên toàn cầu", ông Albert cảnh báo. 5 hòn đảo đã biến mất đều không có người ở, mặc dù các đảo này có kích thước lớn và vẫn là ngư trường quen thuộc của cộng đồng ngư dân.
Người dân ở đây đã phải sơ tán sang các khu vực khác.
Người dân ở những hòn đảo bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cao đã phải sơ tán sang các khu vực khác.
Tuy nhiên, hòn đảo Nuatambu có người sinh sống, đã mất hơn 50% diện tích bề mặt tương đương 14.000m2, buộc một số gia đình phải di chuyển đến một hòn đảo núi lửa cao gần đó. Đáng lo ngại hơn cả, thành phố Taro cùng với các cơ sở hạ tầng quan trọng như: Dịch vụ y tế, giáo dục, nước thải và điện... có thể cũng phải di dời. "Việc này có thể tiêu tốn đến hàng trăm triệu USD, khiến cho quốc gia phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự giúp đỡ quốc tế", ông Albert dự đoán.